Hiện nay, trên địa bàn Thành phố Huế có 87 nhà vườn đặc trưng nằm trên địa bàn các phường Thuỷ Biều, Kim Long, Gia Hội, Vỹ Dạ, … và 21 nhà rường cổ ở đô thị cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh. Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương, cá nhân liên quan tiến hành khảo sát, phân loại và vận động 09 nhà vườn thuộc 02 phường Kinh Long và Thủy Biều và 11 nhà rường cổ ở Bao Vinh tự nguyện đăng ký tham gia Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh trong giai đoạn 2023-2026.
Từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn, Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc, cùng với các lăng tẩm trầm mặc, Hoàng thành cổ kính, những ngôi nhà vườn êm ả thanh bình ở đây đã làm nên “thành phố nhà vườn” Huế. Hiện tại, thành phố Huế có khoảng 1.000 ngôi nhà vườn, nhà rường lớn nhỏ, diện tích nhỏ nhất mỗi nhà vườn khoảng vài trăm mét vuông và có những khu vườn lên đến hàng nghìn mét vuông, tập trung tại các phường: Kim Long, Thủy Biều, Gia Hội, Vỹ Dạ, Phường Đúc... Nhà rường cơ bản làm bằng chất liệu gỗ, trải qua thời gian tồn tại, ảnh hưởng khí hậu khắc nghiệt của khu vực Huế hiện nay nhiều nhà vườn, nhà rường cổ đang hư hỏng, xuống cấp.
Trong thời gian qua, thành phố Huế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các nhà vườn, nhà rường trên địa bàn Thành phố. Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” giai đoạn 2015-2020”, từ năm 2015 đến nay, Thành phố đã hỗ trợ trùng tu 10 nhà vườn với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, bao gồm: Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (nhà vườn Phan Thuận An), nhà vườn Lê Lương, nhà vườn Đoàn Kim Khánh, nhà vườn Hồ Xuân Doanh, nhà vườn Nguyễn Hữu Thông, nhà vườn Đặng Văn Thành, nhà vườn Hoàng Xuân Bậc, nhà vườn Hồ Văn Bình, nhà vườn Tôn Thất Phương và nhà thờ họ Tôn Thất. Đa số các nhà vườn sau khi trùng tu, tôn tạo cảnh quan đều phát huy giá trị, có 9 nhà vườn tổ chức kinh doanh du lịch, phục vụ du khách, trong đó có 3 nhà vườn kinh doanh dịch vụ homestay, góp phần đem lại nguồn thu nhập và việc làm cho người dân.
Ngày 08/12/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết số 26/2022/NQ-HĐND về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, các chủ nhà vườn, nhà rường cổ đáp ứng các tiêu chí theo phân loại nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh trong giai đoạn 2023-2026 và có nguyện vọng cam kết tham gia Đề án sẽ được hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo với nhiều hạng mục, nội dung như: trùng tu nhà chính; tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn; hỗ trợ tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở nhà vườn, nhà rường phục vụ lưu trú; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề; tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng tour du lịch; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng cơ bản; chính sách hỗ trợ về tài chính tín dụng…
Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND Tỉnh, Thành phố Huế đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương, cá nhân liên quan tiến hành khảo sát, phân loại và vận động các chủ nhà vườn, nhà rường cổ tham gia Đề án, đến nay có 09 nhà vườn thuộc 02 phường Kinh Long và Thủy Biều (phường Kim Long 04 nhà, phường Thuỷ Biều 05 nhà) và 11 nhà rường cổ ở Bao Vinh tự nguyện đăng ký tham gia Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh trong giai đoạn 2023-2026; trong đó có 02 nhà vườn loại 1 đăng ký trùng tu, tôn tạo nhà chính, các nhà vườn còn lại đăng ký hỗ trợ các chính sách như: tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn, tổ chức kinh doanh, khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch tại nhà vườn… Hiện nay, dự thảo Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh đã cơ bản hoàn thiện nội dung, UBND Thành phố đang thực hiện các thủ tục trình UBND Tỉnh phê duyệt Đề án để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tham gia Đề án, các chủ nhà vườn, nhà rường cổ sẽ được hỗ trợ tối đa từ 600 triệu - 1 tỷ đồng đối với việc trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ; hỗ trợ chi phí thiết kế cảnh quan, cải tạo sân vườn tối đa 30 triệu đồng/vườn, mua cây giống tối đa 50 triệu/vườn; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa phòng gắn liền với nhà chính làm phòng lưu trú, không quá 50 triệu đồng/phòng; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ bản như đường giao thông nội bộ, bến thuyền, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, vệ sinh môi trường, internet…tại cụm, điểm tập trung các nhà vườn; hỗ trợ 100% lãi suất vay từ 200 - 500 triệu đồng trong thời gian 5 năm cho chủ nhà vay vốn của tổ chức tín dụng để trùng tu nhà chính, cải tạo vườn, tổ chức khai thác phát triển dịch vụ tại nhà...
Không chỉ tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo các nhà vườn, nhà rường cổ, Thành phố còn phối hợp, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở lữ hành trong và ngoài tỉnh khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Đặc biệt là mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng với các chương trình hấp dẫn như: dịch vụ lưu trú tại nhà vườn, trải nghiệm các hoạt động văn hóa, nghề truyền thống, thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương, thu hút khách du lịch tại địa phương. Đặc biệt, sau khi dự án dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương hoàn thành, đưa vào vận hành, sử dụng sẽ góp phần rất lớn trong việc tạo động lực, hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới phía Tây thành phố Huế, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, du lịch dịch vụ tại khu vực Kim Long, Thủy Biều.
Với những nỗ lực của chính quyền thành phố, sự phối hợp, tích cực tham gia Đề án của các chủ nhà vườn, nhà rường cổ, trong thời gian tới, nhiều nhà vườn, nhà rường sẽ được trùng tu, làm sống lại không gian nhà vườn, nhà rường đặc trưng của xứ Huế, góp phần giữ gìn giá trị văn hóa của vùng đất cố đô./.