Công trình là nơi thờ tự công chúa Ngọc Sơn, nhũ danh là Nguyễn Phước Hỷ Hỷ, con gái của vua Đồng Khánh (1885-1889). Bà là vợ của Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn - con trai của Đông Các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, đại thần triều Nguyễn.
Khu đất này trước đây vốn thuộc về ông Nguyễn Nghi được Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn mua lại vào ngày 12/8/1920 và cho quy hoạch xây dựng thành một biệt phủ theo lối kiến trúc điển hình của nhà vườn Huế. Ngôi nhà chính là nơi thờ tự vong linh công chúa Ngọc Sơn và cũng là nơi ở của gia đình. Bộ khung gỗ của ngôi nhà chính (14,12x10,52m) được Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn mua lại từ Phủ bà chúa Nhất (Công chúa Mỹ Lương, con vua Dục Đức) rồi cho dựng lại tại vị trí hiện nay, đồng thời xây thêm một nhà vỏ cua (7,86x3,87m) nối tiếp để mở rộng diện tích sử dụng.
Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn có diện tích 2370m2 được xây dựng theo kiểu nhà vỏ cua nối với nhà chính bằng một máng xối. Bộ khung gỗ của công trình được chế tác tinh xảo theo đúng kiến trúc truyền thống Huế với các trang trí ô hộc liên ba bằng gỗ. Đây cũng là công trình thể hiện rõ sự giao thoa về mặt kỹ thuật xây dựng của kiến trúc truyền thống Huế với kiến trúc Pháp trong giai đoạn đầu thế kỷ XX: hàng cột hiên có dạng cột gạch vuông, có chia chỉ dọc, đây là cột kiểu canelure ảnh hưởng rõ từ kiến trúc Pháp. Trong quá trình xây dựng, các nghệ nhân xưa đã có sự kết hợp hài hòa giữa các cấu kiện của một bộ khung gỗ truyền thống Huế như cột, kèo, xuyên, trến với kết cấu tường xây chịu lực và hệ console đỡ mái đặc trưng thời bấy giờ.
Về mặt quy hoạch, tổng thể nhà vườn được xây dựng và quy hoạch theo yếu tố phong thủy (có ao sen làm minh đường, hòn non bộ làm bình phong, đá núi hai bên tượng trưng cho tả thanh long, hữu bạch hổ). Công trình kiến trúc chính của Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn gồm có tiền đường là nhà vỏ cua ba gian kết hợp với nhà chính ba gian hai chái kép, kết cấu hỗn hợp tường gạch - khung gỗ chịu lực theo đúng phong cách nhà rường Huế: mái lợp ngói liệt, có đắp các chi tiết trang trí bằng vôi vữa chủ đề “mây hóa rồng”; bộ giàn trò gỗ được chạm khắc với đường nét đơn giản, mạnh mẽ thể hiện đúng phong cách “nhà võ” của chủ nhân.
Hiện nay bên trong công trình vẫn còn lưu giữ được rất nhiều kỷ vật của vị phò mã như huy chương do vua Khải Định ban tặng, bộ đầu hồ bằng gỗ và nhiều đồ sứ ký kiểu từ Trung Hoa,…Các vật dụng bố trí nội thất bên trong cũng là các đồ vật đã tồn tại song hành cùng ngôi nhà, rất có giá trị về mỹ thuật như bàn, ghế, sập gụ, tủ sách và nhiều hoành phi, câu đối thếp vàng...
Công trình đang được các thế hệ con cháu tiếp tục giữ gìn, luôn mở cửa để đón du khách đến tham quan. Bên cạnh đó, hơn 10 năm nay gia đình đã thực hiện dịch vụ tham quan nhà vườn và tiếp khách cùng gia chủ góp phần quảng bá văn hóa, kiến trúc - mỹ thuật nhà vườn ở xứ Huế cho du khách trong và ngoài nước.
Năm 2017, UBND thành phố Huế đã phê duyệt tu sửa toàn bộ Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn với tổng kinh phí gần 700 triệu đồng.
Tên chủ sở hữu hiện nay (Tên nhà vườn nếu có):
|
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, do ông Phan Thuận An quản lý.
|
Địa chỉ:
|
31 Nguyễn Chí Thanh, Huế.
|
Diện tích:
|
2379 m2
|
Nguồn gốc sở hữu:
|
Giao quyền quản lý
|
Địa vị xã hội-nghề nghiệp của người xây ngôi nhà:
|
Nơi thờ công chúa Ngọc Sơn và là cũng tư gia của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn.
|
Niên đại xây dựng (cơ sở xác định):
|
Theo chủ nhân ngôi nhà hiện nay, phủ thờ được xây dựng vào năm 1921 dưới thời vua Khải Định.
|
Những giấy tờ pháp lý liên quan đến nhà đất:
|
Có Trích lục
|
Cấu tạo chính:
|
Phủ thờ là một tòa nhà kép: tiền đường ba gian có hàng cột hiên bằng gạch trát vữa, quét vôi màu vàng, với những chi tiết trang trí theo kiểu nhà Âu; chính đường ba gian hai chái, theo đúng phong cách nhà rường Huế với mái lợp ngói liệt, kế bên là nhà phụ, nhà bếp.
|
Tình trạng hiện tại:
|
Nhà thờ đang trong tình trạng tốt.
|
Những nét đặc trưng của ngôi nhà:
|
Nhà thờ chịu ảnh hưởng của của kiến trúc và vật liệu - kỹ thuật xây dựng phương Tây. Các ô cửa sổ, cửa đi trong kính ngoài chớp, các công son bê tông cắm từ tường vươn ra đỡ hệ mái, những trang trí ở vòm cửa đầu hồi, trụ hiên sau… Nhà thờ được xây dựng tuân theo thuật phong thủy với những yếu tố minh đường, tiền án phía trước, tả - hữu hai bên là thanh long - bạch hổ; phía sau có hậu chẩm.
|
Những lần sửa chữa lớn:
|
Trải quả một số lần tu sửa lớn, lần gần đây nhất là vào năm 2017, phủ thờ được hỗ trợ kinh phí gần 700 triệu đồng từ Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” để trùng tu các hạng mục chính đã hư hỏng.
|
Những phần phụ còn lại:
|
Lối vào là một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau cùng hai trụ cổng đơn giản không có mái vòm. Ngoài ra còn có cái bể cạn trồng hoa súng và hòn non bộ đẹp.
|
Phân loại:
|
Nhà vườn loại 1
|
Đánh giá
|
- Toàn bộ mặt bằng khuôn viên ngôi nhà được quy hoạch một cách bài bản, theo nguyên tắc phong thủy của người phương Ðông, có các yếu tố: tiền án (bình phong), minh đường (hồ nước), thế rồng chầu hổ phục,...
- Ngôi nhà có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Huế với những chi tiết trang trí và vật liệu kiểu Âu, đồng thời nhà thờ được gìn giữ, phụng thờ và bảo tồn gần như nguyên vẹn.
|