Nhà vườn Huế là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế, là một trong những bộ phận cấu thành nên di sản văn hóa Huế, có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình đô thị hóa của Huế.
Nhà vườn Huế xuất hiện từ khá sớm, song đậm nét nhất từ sau khi phủ chúa được xây dựng ở Kim Long vào năm 1663 và đặc biệt phát triển dưới thời Nguyễn.
Đến nay đã có nhiều nghiên cứu, bài viết, tài liệu, phóng sự, tham luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các buổi hội thảo khoa học, tọa đàm…đề cập đến nhà vườn Huế ở nhiều khía cạnh và cấp độ khác nhau. Tuy nhiên tinh thần và diện mạo nhà vườn Huế cũng như thực trạng quá trình hình thành, tồn tại của nó vẫn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Trên thực tế cũng chưa có định nghĩa chính thức kinh điển nào về nhà vườn Huế, nhưng tựu trung lại, dưới góc độ nghiên cứu từ cội nguồn lịch sử hình thành có thể đưa ra một khái niệm chung nhất như sau: “Nhà vườn Huế bao gồm: nhà là một công trình kiến trúc cổ truyền với kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống đặc trưng; vườn là cảnh quan bao quanh nhà, trồng các loại cây xanh gồm cây cảnh, cây hoa và cây ăn trái, cây rau hoặc thực vật khác phục vụ trực tiếp cho nhu cầu đời sống sinh hoạt hàng ngày; cùng với các công trình kiến trúc như cổng, bình phong, non bộ,…gắn liền với mảng văn khắc (đối liễn, hoành phi…), tất cả tạo dựng thành một chỉnh thể mang đậm dấu ấn cá tính của chủ nhân trong không gian văn hóa hài hòa thống nhất, ở đó bao hàm cả các yếu tố sở thích, tinh thần, cốt cách, nghệ thuật, phong thủy…”
Nhà vườn Huế gồm nhiều loại như phủ đệ, phủ thờ, nhà thờ họ, nhà thờ các vị công thần, nhà vườn truyền thống.
Trải qua thời gian với nhiều thăng trầm biến đổi, với sự tác động của thiên tai, địch họa, nhất là dưới sức ép của bùng nổ dân số, nhu cầu nhà ở tăng nhanh, quan niệm, sở thích và điều kiện xây dựng nhà ở của xã hội đã thay đổi nên nhà vườn Huế đã chịu nhiều biến động và thách thức. Nhà và đất vốn là một loại hàng hóa và lại càng đặc biệt có giá trị trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong xã hội phát triển; do đó đều chịu sự chi phối của quy luật kinh tế thị trường. Nhà rường xuống cấp nhưng chủ nhân không có điều kiện trùng tu, đành phải bán đi để xây dựng mới. Có trường hợp chủ nhân tháo dỡ khung nhà cũ đã hư hỏng để thay thế bằng kiểu nhà mới có kiến trúc hiện đại. Theo đánh giá của giới nghiên cứu, thực trạng chảy máu nhà rường Huế hiện nay là đáng báo động do sức hấp dẫn và giá trị thương hiệu của nó. Ngoài ra do sức tàn phá của thời gian, thiên tai, mối mọt, không ít ngôi nhà đã xuống cấp, sụp đổ không còn hình dạng trước đây. Tình trạng nhà ở là vậy, đất vườn cũng bị chia cắt để mua bán trao tay nhằm giải quyết khó khăn kinh tế; hoặc chia cho con cháu làm nơi ở riêng…vì vậy nhiều khu vườn bị thu hẹp, bị chia năm xẻ bảy manh mún, phá vỡ hẳn cảnh quan đặc trưng của nhà vườn Huế.
Nhìn chung, trải qua hàng trăm năm tồn tại, chịu tác động tiêu cực của khí hậu, thời tiết, thiên tai, chiến tranh, cùng với sự thiếu quản lý bảo vệ nên số lượng, cũng như những yếu tố về nghệ thuật kiến trúc của nhà vườn đã và đang suy giảm nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ làm mất đi một trong những giá trị văn hóa, lịch sử riêng có, ghi dấu một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Thừa Thiên nói riêng và của đất nước nói chung. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy di sản nhà vườn sẽ góp phần tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa Huế, văn hóa dân tộc; đồng thời cũng là yếu tố nâng cao hình ảnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống người dân.
Ngày 25/4/2015, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 02/2015/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng". Ngày 27/8/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Quyết định số 36/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Từ đó đến nay, 8 trên tổng số 14 nhà vườn trong danh mục nhà vườn Huế đặc trưng tham gia Đề án đợt 1 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 200/QĐ-UBND ngày 29/01/2016 đã và đang được tu bổ, tôn tạo, góp phần hỗ trợ người dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao giá trị hình ảnh cố đô Huế, làm tiền đề lan tỏa, phát huy ý thức tự nguyện của người dân trong công cuộc bảo vệ những giá trị văn hóa Huế đặc trưng gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.