Bao Vinh là một phố cảng ven sông thời trung đại ở Việt Nam và Đông Nam Á, minh chứng cho một thời kỳ phát triển thịnh của Thanh Hà - Bao Vinh trong lịch sử. Hiện nay, phố cổ Bao Vinh (thuộc phường Hương Vinh, thành phố Huế) vẫn còn bảo lưu nhiều loại hình di sản kiến trúc, nghệ thuật, tín ngưỡng rất đa dạng thể hiện sự giao lưu, tiếp biến mạnh mẽ giữa các nền văn hóa trong nước và nước ngoài. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung dành các nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản phố cổ Bao Vinh trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
1.Từ giá trị độc đáo của di sản phố cổ Bao Vinh
Khu di sản phố cổ Bao Vinh còn bảo tồn đình Bao Vinh với đặc điểm kiến trúc gồm: trụ biểu, la thành, bình phong và tòa đại đình. Ngoài ra, trong khuôn viên đình làng còn có các công trình kiến trúc như: miếu Thành hoàng, miếu Khai canh, miếu Âm hồn... Cách đình làng không xa là chùa Thiên Giang. Đình, chùa là những công trình được xây dựng từ sự đóng góp của chính người dân Bao Vinh và tồn tại nhờ những giá trị văn hóa, tinh thần nó đem lại. Đình, chùa là không gian kết nối những giá trị truyền thống của cộng đồng, gắn kết đời sống tinh thần của người dân trong khu vực. Bởi vậy, chúng ta không chỉ bảo tồn các di sản kiến trúc đình, chùa, mà còn phải bảo tồn mối tương quan của con người với di sản đó.
Phố cổ Bao Vinh còn bảo lưu nhiều ngôi nhà rường truyền thống được xây dựng cách đây hơn trăm năm. Nhà rường có kiến trúc ba gian, mái lợp ngói liệt, có đắp các chi tiết trang trí bằng vôi vữa. Bộ khung sườn bằng gỗ với những bộ vì kèo được chạm trổ các họa tiết trang trí tinh xảo, cùng với những bức hoành phi, đối liễn chạm khắc chữ Hán trang hoàng khắp ba gian nhà. Hiện nay, các thế hệ con cháu đời sau vẫn tiếp tục sống, giữ gìn nề nếp gia phong nối tiếp các thế hệ ông cha của họ. Bên cạnh đó, kiến trúc kiốt kiểu Pháp gồm 2 tầng với tường gạch chịu lực, có hai chức năng được phân bố cho hai tầng: tầng 2 để chứa hàng, tầng 1 để mua bán giao dịch. Đó là những lưu ảnh còn lại của một đô thị cổ từng có thời kỳ phát triển huy hoàng của vùng đất Bao Vinh. Qua khảo sát hiện nay, khu phố cảng Bao Vinh vẫn còn gìn giữ được 14 nhà rường (trong đó có 3 nhà rường lầu 2 tầng và 11 nhà rường 3 gian), 7 kiốt kiểu Pháp (còn gọi là nhà Tứ Giác vì dạng mái chóp tứ giác) và 2 nhà xây dựng ảnh hưởng kiến trúc Pháp.
Dựa trên nền tảng văn hóa bản địa của cư dân Bao Vinh, nền văn hóa người Hoa đã được hòa trộn đầy màu sắc tại vùng đất này. Chúng ta có thể nhìn thấy những công trình xây dựng mang phong cách kiến trúc văn hóa Trung Hoa còn lưu lại khá nhiều bên cạnh các kiến trúc người Việt tại phố cổ Bao Vinh như những dấu ấn đặc sắc cho sự tồn tại của họ ở nơi đây. Đó chính là sản phẩm của sự giao lưu một cách tự nguyện giữa cư dân bản địa với các nền văn hóa khác. Dù đứng ở góc độ nào, chúng ta vẫn có thể thấy rằng sự giao lưu văn hóa của những cư dân nước ngoài đã mang đến cho nền văn hóa của vùng đất Bao Vinh một sắc màu mới.
Ngoài những loại hình kiến trúc phong phú, đa dạng nêu trên, cùng với nếp sống, phong tục tập quán, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực,...của cộng đồng dân cư đô thị phố cổ Bao Vinh như tấm gương phản ánh chặng đường dài của quá trình giao thoa, hội nhập, tiếp biến văn hóa, tạo nên một sắc thái văn hóa riêng vừa mang tính dân tộc, bản địa, vừa có sự hài hoà giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong dòng chảy lịch sử.
2. Đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị...
Đô thị di sản phố cổ Bao Vinh là một tập hợp các loại hình kiến trúc đô thị cổ với một cơ cấu cư dân đô thị còn nguyên vẹn. Sự nguyên vẹn trong kiến trúc đô thị đó vẫn được bảo tồn ở ba bình diện: hình thái đô thị, đơn vị không gian kiến trúc tức khu phố cổ và từng công trình kiến trúc riêng lẻ. Di sản phố cổ Bao Vinh thể hiện sự pha trộn, giao thoa của nhiều nét đẹp khác nhau mang những dấu ấn riêng, thể hiện những giá trị độc đáo trong hệ thống đô thị cổ Việt Nam. Những công trình kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng và giá trị văn hóa của phố cổ Bao Vinh là minh chứng sống động cho quá trình hình thành, phát triển và cả sự suy tàn của đô thị phố cảng xưa. Các đền miếu là công trình tiêu biểu cho dấu tích của người Hoa. Bên cạnh đó là những đình làng, chùa làng, nhà cổ ghi lại nét truyền thống của người Việt và những kiốt ảnh hưởng phong cách kiến trúc Pháp rất độc đáo. Điều này đã góp phần quan trọng tạo nên những giá trị nổi bật và độc đáo của đô thị di sản Huế, song hành bên cạnh Quần thể Di tích Cố đô Huế, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển về cảnh quan và kiến trúc đô thị Huế trong dòng chảy văn hóa lịch sử. Hầu hết, các công trình kiến trúc phố cổ Bao Vinh không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn ở khía cạnh văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Tuy nhiên dưới tác động của quá trình đô thị hóa, di sản phố cổ Bao Vinh hiện đang bị biến đổi, mai một và xuống cấp khá nghiêm trọng; vì vậy rất cần được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị phố cổ Bao Vinh trong bối cảnh hiện nay.
Để bảo tồn và khai thác hiệu quả di sản phố cổ Bao Vinh, ngày 30/6/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Công văn số 5562 /UBND-GD về việc triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh giai đoạn I. Trong đó có nội dung đồng ý cho UBND thị xã Hương Trà triển khai thực hiện 03 nhiệm vụ trong năm 2020, cụ thể: Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh được phê duyệt tại Quyết định số 3032/2003/QĐ-UB ngày 28/10/2003 (trong đó bao gồm: Rà soát, đánh giá hiện trạng để đề xuất điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, lập thiết kế đô thị Bao Vinh, xây dựng quy định quản lý quy hoạch thiết kế đô thị…); lập Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, trong đó ngoài việc xác định khối lượng công việc bảo tồn cần nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ khác phát huy giá trị nhà rường cổ, hỗ trợ sinh kế cho người dân ở đô thị cổ Bao Vinh; lập dự án giải tỏa hộ dân lấn chiếm dọc bờ sông Hương (giữ lại các nhà tứ giác đã có so với nguyên trạng phố cổ).
Có thể nói, nếu những chính sách, đề án nêu trên sớm được triển khai thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian đến, song hành với việc nghiên cứu tổ chức một số hoạt động văn hóa nghệ thuật tại phố cổ Bao Vinh sẽ đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân về việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phố cổ Bao Vinh, làm sống lại phần nào diện mạo của khu phố cảng một thời sầm uất của Kinh đô Huế dưới triều Nguyễn; đồng thời chỉnh trang cảnh quan đôi bờ sông Hương, nâng cao vị thế ứng xử văn hóa, thúc đẩy du lịch phố cổ phát triển bền vững. Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh, sự quan tâm của các nhà đầu tư, di sản phố cổ Bao Vinh sẽ được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.