Bao Vinh là tên gọi của một làng quê Việt được hình thành tương đối sớm, làng Bao Vinh nằm trong số 67 “làng cổ” thuộc huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong ra đời trước năm 1553. Theo các tư liệu lịch sử, phố cổ Bao Vinh là địa điểm thứ 2 của chuỗi cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh, là giai đoạn phát triển cuối cùng của chuỗi cảng thị này, trải qua các tác động của lịch sử, thiên nhiên và con người, đặc biệt là biến cố kinh thành năm 1885, hầu hết các ngôi nhà thuộc phố cổ Bao Vinh đã bị hủy hoại khá nhiều. Vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người dân Bao Vinh lại tiếp tục phục dựng nhà cửa để ở và buôn bán. Những ngôi nhà mọc lên thời điểm này chính là một phần di sản quan trọng còn tồn tại cho đến hôm nay mà chúng ta thường gọi là khu phố cổ Bao Vinh.
Phố cổ Bao Vinh có lịch sử ra đời, tồn tại và phát triển gắn với quá trình đô thị hóa ở Huế, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa vùng đất cố đô. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chịu tác động tiêu cực của khí hậu, thời tiết, thiên tai, chiến tranh, cùng với việc thiếu sự quản lý, bảo vệ nên số lượng, cũng như những yếu tố về nghệ thuật kiến trúc của nhà rường cổ Bao Vinh đã và đang suy giảm nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ làm mất đi một trong những giá trị văn hóa, lịch sử riêng có, ghi dấu một giai đoạn lịch sử của mảnh đất Thừa Thiên. Ngày 28/10/2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 3032/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Vinh, thành phố Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên từ đó đến nay qua hơn 20 năm, Quyết định hầu như chưa thực hiện được do chưa có các chính sách hỗ trợ đầu tư cụ thể, việc triển khai còn nhiều lúng túng, không có nguồn lực, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan còn nhiều bất cập. Hiện nay, khu phố cổ Bao Vinh còn 14 ngôi nhà rường cổ và 7 nhà tứ giác có kiến trúc đặc thù và đều trong tình trạng mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà tuy vẫn còn giữ được dáng dấp của nhà cổ, nhưng hầu hết những hàng cột, tường chịu lực chính của căn nhà đã bị mối mọt gặm gần hết, cá biệt có một số nhà phải dùng tre, gỗ tạp để gia cố thêm. Có nhiều nhà phải dùng bạc nilong, tôn… để che mưa che nắng. Tất cả đều đang trong tình trạng hư hỏng nặng như lún nền, nứt nẻ, mốc meo, mục nát, bị cơi nới, bị thay thế vật liệu mới…
Trước thực trạng trên, ngày 08/12/2022, HĐND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và giao UBND Thành phố xây dựng Đề án “ Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, thành phố Huế” Theo đó, các chủ nhà rường cổ đáp ứng các tiêu chí theo phân loại nhà nhà rường cổ được UBND tỉnh phê duyệt theo Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh trong giai đoạn 2023-2026 và có nguyện vọng cam kết tham gia Đề án sẽ được hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo với nhiều hạng mục, nội dung như: trùng tu nhà chính; hỗ trợ tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở nhà rường phục vụ lưu trú; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề; tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng tour du lịch; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng cơ bản; chính sách hỗ trợ về tài chính tín dụng…
Nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết của HĐND Tỉnh, thành phố Huế đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và các địa phương, cá nhân liên quan tiến hành khảo sát, phân loại và vận động các chủ nhà rường cổ tham gia Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ Bao Vinh giai đoạn 2023 - 2026, trong đó có 07 nhà rường cổ ở Bao Vinh tự nguyện đăng ký tham gia; trong đó có 06 nhà rường loại 1 và 01 nhà rường loại 2 đăng ký trùng tu, tôn tạo nhà chính và hỗ trợ các chính sách như: tổ chức kinh doanh, khai thác, phát triển dịch vụ… Hiện nay, Đề án Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh đã cơ bản hoàn thiện, UBND Thành phố đã trình UBND Tỉnh xem xét phê duyệt Đề án để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều giải pháp được đặt ra để thực hiện bảo vệ và phát huy di sản nhà rường cổ Bao Vinh nói riêng và phố cổ Bao Vinh nói chung, cụ thể như: đầu tư, hỗ trợ kinh phí để trùng tu, tôn tạo nhà chính của 07 nhà rường cổ và cải tạo công trình phụ của 02 nhà. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý nhà nước, công tác phối hợp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tuyên truyền, quảng bá và phát triển du lịch cộng đồng gắn liền bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh. Thực hiện tốt quản lý quy hoạch - kiến trúc và xây dựng; cải tạo, sửa chữa nhà rườngcổ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chủ các nhà vườn chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý đất đai, không xây dựng các công trình trái phép phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng kiến trúc tổng thể… Thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại cụm điểm nhà rường cổ Bao Vinh. Ưu tiên đào tạo, tuyển dụng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh viên tại cụm điểm nhà rường cổ Bao Vinh là người địa phương và đạt yêu cầu về trình độ kiến thức, ngoại ngữ giao tiếp, ứng xử đúng quy tắc, chuẩn mực… Chú trọng đến các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch để giới thiệu văn hóa đặc trưng của địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về việc bảo tồn giá trị nhà rường cổ Bao Vinh phải gắn liền với phát triển du lịch. Tập trung giới thiệu rộng rãi cụm điểm nhà rường cổ Bao Vinh trở thành điểm đến du lịch thông qua các ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, bản đồ, internet. Vận động tất cả các chủ nhà rường tổ chức và khai thác các dịch vụ lưu trú, ăn uống, bán hàng lưu niệm về sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, quảng diễn các món ẩm thực đặc trưng của địa phương, quảng diễn các sản phẩm thủ công truyền thống. Xây dựng phong cách ứng xử văn minh, thái độ cởi mở, chân thành đối với khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp nhằm nâng cao hình ảnh phố cổ Bao Vinh để phát triển du lịch. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận, phát huy lợi thế để kết nối các điểm di sản, văn hoá đặc trưng phát triển du lịch cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong hệ thống chung. Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư làm du lịch. Hướng tới xây dựng mỗi nhà rường cổ ở Bao Vinh là một điểm đến, xây dựng không gian Huế xưa để thu hút du khách du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch đầu tư trực tiếp vào phố cổ Bao Vinh hoặc khu vực lân cận để phát triển du lịch văn hóa cũng như các loại hình du lịch khác, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động đào tạo, hướng dẫn người dân phát triển các sản phẩm du lịch mới...
Việc bảo tồn và phát huy giá trị nhà rường cổ nói riêng và phố cổ Bao Vinh nói chung là một chủ trương và chính sách đúng đắn nhằm gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, đồng thời giải quyết được sự bức xúc của các chủ hộ nhà rường cổ cũng như dư luận đang quan tâm về vấn đề bảo tồn nhà rường cổ; mở ra hướng khai thác giá trị nhà rường cổ trong quá trình phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.