Hiện nay, văn hóa ở là một vấn đề bức xúc trên phạm vi toàn thế giới. Riêng ở Huế, Cố đô cuối cùng của Việt Nam, nơi còn lưu giữ được một số ngôi nhà truyền thống, vấn nạn nhà cổ cũng được đặt ra và cần quan tâm tìm giải pháp để bảo tồn, vì theo nhận định chung, nhà ở truyền thống tại đây đã trở thành một trong những mảng văn hóa có giá trị đặc trị đặc thù của miền núi Ngự sông Hương.
Nếu quần thể kiến trúc Kinh đô Huế đã được quy hoạch và xây dựng trọng một “đại bố cục” như nhận định của cố KTS. Ngô Viết Thụ, thì mỗi nhà ở truyền thống trong dân gian này cũng có một bố cục tương tự được thu nhỏ. Dù lớn bé khác nhau về không gian quy hoạch và quy mô xây dựng, các công trình kiến trúc dành cho sự sinh hoạt và việc ăn ở của triều đình cũng như của từng gia đình đều có cùng một chủ đề tư tưởng, một phong cách nghệ thuật, một chuẩn mực trong kết cấu công trình cũng như một phần nào đó trong trang trí và trang hoàng nội ngoại thất của ngôi nhà.
Nói đến nhà ở truyền thống Huế là nói đến nhà vườn, trong đó có ngôi nhà chính là nhà rường hoặc nhà rội làm bằng gỗ lợp ngói và một vài ngôi nhà phụ tọa lạc giữa một khu vườn rợp bóng cây xanh. Diện tích khu vườn rộng hẹp khác nhau tùy theo địa vị của gia chủ trong xã hội và khả năng tài chính của gia đình khi tậu đất xây nhà.
Trên mặt bằng tổng thể ấy, chủ nhân thường cho qui hoạch và xây dựng theo thuật Phong thủy. Ngôi nhà chính bao giờ cũng có bình phong ở ngay phía trước, có hai biểu tượng rồng chầu hổ phục nằm đối xứng ở hai bên sân, mà “minh đường” là yếu tố mặt nước, có thể là cái bể cạn nằm ở cuối sân hoặc là cái ao sen ở phía sau hòn non bộ.
Ngôi nhà chính là nơi thể hiện các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần quan trọng nhất của từng gia đình. Vật liệu xây dựng thường là loại gỗ đắt tiền như gỗ mít hoặc kiền kiền… Các vì kèo, đòn tay, hoành trến, liên ba, thành vọng, thường được chạm trổ một cách tỉ mỉ, công phu, và có nơi còn được khảm cẩn. Địa vị và gia cảnh của từng chủ nhân cũng được khắc hóa bằng văn tự hoặc đề tài trang trí trên những hoành phi, câu đối, đồ thờ, sập gụ, tủ chè, bàn ghế, giá sách và các món đồ cổ khác ở trong nhà. Một phần nào đó, đây vừa là giá trị kinh tế, vừa là giá trị tinh thần của ngôi nhà truyền thống.
Ngoài ngôi nhà chính dùng để thờ phụng gia tiên (ở gian giữa) và để vợ chồng chủ nhân ăn ở (2 gian bên hoặc 2 chái), các nhà phụ được dùng làm nơi sinh sống cho con cháu và gia nhân. Nhà chính và các nhà phụ nối liền nhau bằng hành lang có mái.
Phần lớn các nhà vườn cổ đều có cổng xây, hòn non bộ và giếng nước tự nhiên. Hòn non bộ là một vũ trụ thu nhỏ với cảnh sơn thủy hữu tình. Trong sân trước, người ta thường chưng những chậu cảnh uốn theo các thế và trồng các loại hoa thay nhau khoe sắc tỏa hương cả bốn mùa. Trong vườn thì trồng những loại cây lưu niên để cho bóng mát và quả chín quanh năm. Chung quanh khuôn viên được bao bọc bằng những lũy tre xanh hay những dãy hàng rào chè tàu được cắt xén tươm tất, và có khi còn được điểm xuyết thêm bằng những hàng cau trồng rất ngay ngắn. Các chủ nhân thường trồng những hàng cây thân nhỏ hoặc những luống hoa ở hai bên lối đi từ cổng dẫn vào nhà chính.
Nhìn chung, nhà ở truyền thống Huế là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên, thường được gọi là kiến trúc cảnh quan. Vô hình chung, các yếu tố Phong thủy được ứng dụng nơi đây đều trở thành những tiểu cảnh xinh xắn để cùng với tất cả cây cối, hoa cỏ trong vườn tạo nên một môi trường sống rất dễ chịu. Thiên nhiên trở thành bầu bạn thân thiết của con người, và cùng với ngôi nhà, giúp con người di dưỡng tinh thần, cân bằng sinh thái.
Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng nhà ở truyền thống tại Cố đô này còn lại không nhiều so với trước, nhưng có điều đáng mừng là một số gia đình vẫn còn duy trì được hầu như nguyên vẹn cả diện mạo lẫn phần hồn của cơ ngơi do tổ tiên để lại.
Ngoài mẫu số chung về kiến trúc cảnh quan như đã nói, mỗi nhà ở truyền thống còn có một phong cách nghệ thuật riêng tùy theo khiếu thẩm mỹ và tâm hồn của mỗi chủ nhân. Nội tâm và năng khiếu của gia chủ đã được bộc lộ và thăng hoa thành các giá trị văn hóa nghệ thuật ở chính nơi mình sống. Rồi đến lượt những ngôi nhà truyền thống ấy đem lại cho con người sự thanh thản, niềm vui sống và nguồn cảm hứng nghệ thuật.
Ngoài ra, những ngôi nhà ở truyền thống cũng chính là môi trường văn hóa thích hợp để bảo tồn các thuần phong mỹ tục của dân tộc và nhất là đạo lý của gia đình. Đó là những giá trị tinh thần quý báu mà ông bà cha mẹ thường bảo ban, giáo huấn con cháu trong cuộc sống hàng ngày. Những giá trị đó đều ở trong nội hàm của các gia đình từ gia giáo, gia huấn, gia phong, gia lễ, gia đạo, gia pháp, gia chánh, gia thanh, gia truyền… thường được gọi chung là “nếp nhà”. Nếp nhà tốt đẹp được lưu truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tích cực vào sự giáo dục và hình thành nhân cách, đào tạo nhân tài cho các thành viên thuộc các thế hệ nối tiếp trong gia đình, cũng có nghĩa là các công dân tốt ngoài xã hội.
Như vậy, nhà ở truyền thống Huế, nhà vườn, là những không gian văn hóa bảo lưu được không ít những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của từng gia đình nói riêng của của cộng đồng cư dân Cố đô nói chung. Loại hình không gian cư trú giàu tính nhân văn này đã được khẳng định là một quỹ kiến trúc của đô thị Huế, một di sản văn hóa nghệ thuật của Việt Nam.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường, một bậc thầy lớn về nghệ thuật sống đương đại, đã từng nhận xét về những nhà cửa vô hồn ở nhiều đô thị trên thế giới:
“Nhà cửa xây thành hình vuông và xếp thật thẳng hàng. Đường đi cũng thẳng tắp, lại không có cây cối. Chúng ta không còn thấy được những gian nhà kiểu xưa và giếng nước trong vườn hoa nữa… Người ta đã đẩy lùi thiên nhiên ra khỏi cuộc sống của mình… Cho nên, vấn đề lớn hiện nay chính là làm thế nào trả lại tự nhiên cho thiên nhiên, đưa thiên nhiên vào trong cuộc sống của chúng ta?... Tất cả, tất cả là một sai lầm cực đoan, sự sai lầm không thể cứu vãn. Ngoại trừ những cao ốc chọc trời, và đêm đến hàng dãy những khung cửa số có ánh sáng đèn, có gì khác để chúng ta thưởng ngoạn?”
May mắn, mãi đến ngày nay, Thành phố Huế và vùng phụ cận còn bảo tồn được không ít những nhà ở truyền thống đầy chất nghệ thuật và biểu hiện cả một phong cách sống cao nhã của con người xứ Huế.
Bởi thế, chính quyền tỉnh thành sở tại cần có chính sách hỗ trợ và giải pháp thích hợp để bảo tồn và phát huy tác dụng các giá trị văn hóa nghệ thuật vừa nêu.