Huế là một thành phố vườn. Người Huế thích ở nhà vườn hơn là ở nhà cao tầng. Mỗi ngôi nhà chìm sâu trong yên tĩnh của một thế giới riêng biệt của cỏ, cây, hoa, lá bốn mùa tươi tốt làm cho cả thành phố như là một công viên lớn, một công viên cây xanh.
Ngôi nhà vườn lý tưởng của Huế là nhà rường, một đặc trưng của kiến trúc Huế. Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chái, năm gian hai chái, phổ biến là ba gian hai chái. Mái nhà lợp ngói âm dương, tường xây bằng gạch. Gian chính giữa căn nhà, phía trước thờ Phật, phía sau thờ tổ tiên, ông bà. Phía trước của các gian hai bên là phòng khách được bày biện tủ chè, sập gụ, trường kỷ. Hai chái ngôi nhà chính dùng làm phòng ngủ gọi là chái Tây và chái Đông. Ngày trước chái Tây dành cho khách quí – Ta còn nhớ, trong thời gian vào Huế chờ được yết kiến vua Tự Đức dâng bản điều trần, Nguyễn Trường Tộ được Binh bộ Thượng thư Trần Tiễn Thành lưu lại ở chái Tây Tư dinh – con cháu trong nhà chủ yếu sinh hoạt ở dưới nhà ngang.
Nhà vườn Huế cho dù rộng hẹp khác nhau, từ vài ba sào cho đến vài mẫu, đều có kiến trúc tổng thể tương đối giống nhau. Bao bọc khuôn viên, phía trước và hai bên là những hàng rào chè tàu được xén tỉa công phu. Phía sau là hàng rào tre dày sít hoặc bờ cây có gai. Cổng ra vào, nếu nhà vừa phải thường xây hai cột trụ có dàn hoa giấy vòng qua phía trên thay cho chiếc cổng vòm lý tưởng, xây bằng gạch, có mái che lợp ngói như ở dinh thự các nhà quan lại quyền quí, ở các phủ đệ của các ông Hoàng bà Chúa. Dân dã thì trồng hai bụi tre ngà, khóm trúc ở hai bên. Lối vào nhà đi giữa hai luống chè tàu xén thấp hoặc hoa, cỏ, cây cảnh. Trước sân nhà có bức bình phong, phía trong bình phong thường có hồ thả hoa súng, cá vàng hoặc có hòn non bộ nằm trên bể cạn xây nửa chìm nửa lộ thiên. Hòn non bộ và bể cạn là hình ảnh non nước thu nhỏ, là sơn thủy hữu tình với đủ cảnh hang động, chùa tháp, khe suối, cây cỏ và cả sinh hoạt con người với những hình ảnh, điển tích ngư, tiều, canh, mục, đào viên, chốn bồng lai tiên cảnh… Giữa sân và xung quanh ngôi nhà chính được chủ nhân dành một tỷ lệ thích hợp trồng một số cây lưu niên để vừa cho quả ngọt bốn mùa vừa cho bóng mát quanh năm. Xen dưới cây lưu niên được trồng đủ các loại hoa và cây cảnh, cây thuốc Nam, các loại cây hoa lá có thể dùng làm thức ăn – được coi là ô dinh dưỡng trong vườn nhà. Dân dã có hoa nhài, tường vi, mai vàng… quí phái có các loại hồng nhật, phong lan, chậu quỳnh, cành dao…
Kinh tế vườn cũng là một ưu thế của người dân xứ Huế. Bên cạnh những đặc sản quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều, nhãn Phụng Tiên, cam Mỹ Lợi, cau Nam Phổ… trong các nhà vườn Huế hội tụ được nhiều giống cây trái đặc sản của nhiều miền như chôm chôm, măng cụt, xoài, sầu riêng Nam bộ, nhãn lồng Hưng Yên, hồng Lạng, hồng Nghệ… Ở các tỉnh, thành phố khác hiếm thấy sự đa dạng như thế. Tuy nhiên, khác với những vựa cây trái của miền Nam là sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường cả nước, cây trái trong những khu vườn Huế mới chỉ đáp ứng kinh tế tự cung tự cấp của từng khu vực, của từng gia đình.
Nhà vườn Huế là một kiểu thức kiến trúc phong cảnh. Mỗi ngôi nhà chìm sâu trong yên tĩnh của một thế giới riêng biệt của cỏ, cây, hoa, lá bốn mùa tươi tốt. Những người làm vườn đã tôn vẻ đẹp tươi mát cho thành phố cổ kính, diễm lệ của mình. Nghệ thuật kiến trúc tạo nên chất thơ, trong những ngôi nhà vườn dọc theo đôi bờ sông Hương, từ Xuân Hòa, Kim Long, Nguyệt Biều xuôi về Vỹ Dạ từ bao đời nay đã là nơi hội ngộ của trí thức, thi nhân. Hàn Mặc Tử đã gửi lại một mối tình thiết tha với Huế qua bài thơ viết về một mối tình riêng ở nơi thôn Vỹ: Sao anh không về chơi thôn Vỹ, Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên, Vườn ai mướt quá xanh như ngọc, Lá trúc ngang che mặt chữ điền… Kiến trúc nhà vườn được bắt nguồn từ tâm lý vững bền của người dân xứ Huế. Họ mong muốn bảo tồn, phát huy được những giá trị văn hóa tinh thần của mảnh đất từng là một cố đô hưng thịnh, một thành phố di sản văn hóa thế giới đã từng vang bóng một thời mà hôm nay vẫn còn hấp dẫn, quyến rũ.
Người Huế lập vườn không chỉ nghĩ đến hiệu quả kinh tế mà còn nghĩ đến môi trường sinh thái và có cả điều quan trọng hơn nữa là ý thức bảo tồn, lưu giữ một tác phẩm nghệ thuật, một di sản văn hóa cho các thế hệ con cháu. Con người ta khi đã luống tuổi thường thích tìm về nơi yên tĩnh, sống hài hòa giữa thiên nhiên, cây cỏ. Họ lập vườn chủ yếu là để di dưỡng tinh thần. Có những người tâm huyết thường nghĩ đến trách nhiệm của mình trong việc bảo lưu một nét bản sắc văn hóa của đất cố đô được tiền nhân phác thảo từ hơn 300 năm về trước, một kinh đô cổ kính, một thành phố vườn thơ mộng bên bờ sông Hương. Nhà vườn phản ánh cuộc sống tao nhã của người Huế. Nó thể hiện được cả hai mặt: sự thanh bạch và chất trí tuệ lắng sâu trong đó. Cũng vì vậy, từ nhiều năm nay nhà vườn Huế đã trở thành một tour du lịch hấp dẫn, chẳng kém gì các tour tham quan di tích lịch sử, văn hóa. Thăm những ngôi nhà vườn Huế ngoài thưởng thức nghệ thuật sinh vật cảnh du khách còn có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu về cuộc sống, thế giới tâm hồn của chủ nhân trên từng công trình kiến trúc, di vật.
Vườn An Hiên, ngôi nhà vườn tiêu biểu ở mạn Kim Long, gắn bó với cuộc đời một thân sĩ tiêu biểu của Huế. Đó là bà Nguyễn Đình Chi, một nhà Nữ công học hội tài danh hồi đầu thế kỷ, nguyên Hiệu trưởng trường Đồng Khánh; ủy viên Liên minh các lực lượng hòa bình và dân chủ miền Nam Việt Nam, đại biểu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất.
Lạc Tịnh Viên, ở đường Phan Đình Phùng, bên bờ sông Lợi Nông, là tư dinh của Hồng Khẳng (con của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm), một nhà thơ yêu nước thương dân, một vị quan thanh liêm hiện hữu trên những cặp câu đối bằng chữ Hán treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà chính có tên là Hy Trần Trai. Xin dẫn vài câu đã được hậu bối dịch ra Việt ngữ:
- Văn chương đạm bạc không mùi tục
Nhân phẩm trong veo chẳng vết nhơ
- Việc nước trong ngoài dân kính mến
Nếp nhà hôm sớm dạ tôi con
Vợ Hồng Khằng, bà Trương Thị Bích, cũng là một phụ nữ tài hoa. Bà có hai tác phẩm là Phụ Đạo ca, nội dung đề cao tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) và Thực phổ bách thiên, cuốn sách dạy chế biến 100 món ăn, gồm các món ăn Ngự thiện và ăn dân dã của Huế. Mỗi món ăn được giới thiệu bằng một bài thơ.
Từ đường công chúa Ngọc Sơn tọa lạc ở đường Nguyễn Chí Thanh. Công chúa Ngọc Sơn là con gái thứ 2 của vua Đồng Khánh được vua cha gả cho ông Nguyễn Hữu Tiễn, con cụ Đông các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng. Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn sớm theo võ nghiệp, thăng tiến nhanh, cuối đời ông giữ chức Trung quân đô thống, chức vụ cao nhất trong ngạch võ quan triều đình. Là võ quan nhưng yêu thích nghệ thuật, năm 1922 tham gia phái đoàn của vua Khải Định sang Pháp ông Nguyễn Hữu Tiễn tiếp thu được nhiều điều của văn minh phương Tây. Ông mua máy ảnh, đồ nghề, về Huế mở phòng tối, tự tay làm ảnh tại nhà. Ông từng hợp tác kinh doanh nghề chiếu phim và lập gánh hát bội lưu diễn nhiều nơi. Hiện nay Từ đường công chúa Ngọc Sơn do người cháu gái là chị Nguyễn Thị Sương cùng chồng là nhà Huế học Phan Thuận An quản lý.
Nhờ giá trị nhiều mặt, từ lâu nhà vườn đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc thù của Huế, loại hình du lịch được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Tour du lịch nhà vườn hấp dẫn, chẳng kém gì tour tham quan các di tích lịch sử, văn hóa. Đó là một cơ hội cho những du khách đam mê nghệ thuật sống của người Huế.