+ Điểm đầu: Đường số 1
+ Điểm cuối: Đường QH
- Tóm tắt tiểu sử nhân vật, địa danh:
Nguyễn Hữu Ba (1914 - 1997): Bút hiệu Đạo Tâm, quê làng Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Năm 1930, ông đã hoà nhạc cổ truyền vào dĩa hát Beka của Đức. Năm 1937, đoạt giải thưởng ưu hạng tại hội chợ Huế. Cũng trong thập niên 30, ông đã tìm ra phương pháp dùng ký âm pháp Tây phương để thay thế cách ghi theo thang âm ngũ cung.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông tham gia cách mạng tại Huế, hoạt động yêu nước cùng với giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, kỹ sư Nguyễn Hữu Đính, bác sĩ Thân Trọng Phước… và nhiều lần bị địch bắt giam. Năm 1949 ông sáng lập Tỳ Bà Trang, sau đổi là Tỳ Bà Viện nhằm chấn hưng và cải tổ nền âm nhạc cổ truyền. Năm 1956, ông vào Sài Gòn làm Giám học trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ. Năm 1960, ông thành lập thêm ở đây một Viện Tỳ bà thứ hai và Trung tâm Phục hưng quốc nhạc Việt Nam. Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền nam ra đời (12/1960), ông sang Pháp vận động trí thức Việt Kiều và làm đại diện cho Mặt trận. Năm 1964, cùng với Giáo sư Trần Văn Khê, ông đã làm hai dĩa nhạc Việt Nam cho UNESCO và đoạt giải thưởng đặc hạng. Năm 1970, ông trở lại Huế làm Giám đốc trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ.
Sau năm 1975 về công tác ở Phân viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam ở thành phố Hồ Chí Minh và năm 1984 được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (ngành ca Huế). Nguyễn Hữu Ba là nhà nghiên cứu cổ nhạc và là bậc nhạc sư về ngành cổ nhạc Việt Nam, có nhiều đóng góp tích cực cho nền âm nhạc truyền thống trên các mặt sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn, sáng tác, đào tạo.