+ Điểm đầu: Đường Phạm Văn Đồng
+ Điểm cuối: Khu dân cư
- Tóm tắt tiểu sử nhân vật, địa danh:
Nguyễn Minh Vỹ (1914 – 2002): Tên thật là Tôn Thất Vỹ, sinh năm 1914 tại Huế. Xuất thân trong một gia đình Hoàng tộc, song ông đã sớm có tinh thần yêu nước và cách mạng, tham gia vào "Sinh hội đỏ" và Thanh niên Cộng sản Đoàn khi đang học trường Quốc Học Qui Nhơn. Năm 1931 bị Toà án Nam triều tỉnh Bình Định tuyên án bảy năm tù và một án phụ "Tước Tôn tịch cải tùng mẫu tánh".
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được cử làm Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà, là đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà (khoá I năm 1946). Khi có lệnh tập kết, ra miền Bắc, ông được giao nhiệm vụ tham gia tuyên truyền cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà. Ông từng là Vụ trưởng Vụ Quan hệ Bắc Nam, Chủ nhiệm báo Thống nhất, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin kiêm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương. Là thành viên Tiểu ban miền Nam của Quốc hội, ông được giao nhiệm vụ soạn bản dự thảo tuyên bố của Quốc hội, tố cáo mạnh mẽ hành động xâm lược của chính phủ Mỹ. Do vậy, trong thời gian này ông có điều kiện để thường xuyên được làm việc bên cạnh Bác Hồ.
Từ năm 1968 – 1973, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, Nguyễn Minh Vỹ làm Phó trưởng đoàn tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam. Hội nghị kéo dài 4 năm 8 tháng 20 ngày, đến ngày 27/1/1973, hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Cùng với các thành viên trong Đoàn, ông và Bộ trưởng Xuân Thủy đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và nhân dân giao phó.
Nguyễn Minh Vỹ là nhà hoạt động ngoại giao tài năng và giàu kinh nghiệm, hoạt động theo phương thức "hai địa chỉ". Không chỉ là ngoại giao giữa chính phủ với chính phủ hay trên bàn Hội nghị mà còn kết hợp với ngoại giao nhân dân, công khai vận động quần chúng, lấy nhân dân làm hậu thuẫn.
Năm 2008 ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.