+ Điểm đầu: Đ.Hồ Đắc Di
+ Điểm cuối: Đường nối số 1
- Tóm tắt tiểu sử nhân vật, địa danh:
Nguyễn Hữu Đính (1907 -1995): Quê làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, ông là một trí thức cách mạng, xuất thân là một kỹ sư Thủy Lâm.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, được cử tham gia Ủy ban nghiên cứu Lâm Chính tại Bộ Canh Nông, Hà Nội. Sau đó giữ chức vụ Quân trưởng quân VI Lâm chính, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam, trụ sở đặt tại Huế.
Năm 1947, mặt trận chống Pháp bùng nổ, ông tham gia vào Ban Kinh tài Thành phố Huế với nhiệm vụ vận động các nhân sĩ trí thức, các nhà tư sản ủng hộ và giúp đỡ cách mạng. Năm 1953 tham gia vào Ban Trí Vận do giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ phụ trách. Trong thời gian này, ông trực thuộc “Chi bộ trí thức” thành phố Huế, có nhiệm vụ tiếp tục vận động giới thiệu trí thức và tư sản Huế. Năm 1954 – 1955, tham gia sáng lập và điều hành “Tập văn Ngày Mai” cơ quan ngôn luận đấu tranh công khai do Thành ủy Huế chỉ đạo.
Năm 1970, tham gia thành lập và điều hành một số phong trào đấu tranh quần chúng ở Huế, làm cố vấn cho Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa Bình Thừa Thiên Huế, góp phần điều hành và biên soạn các tập san “Mặt trận Hòa bình” và “Mặt trận Văn hóa Miền Trung”. Từ năm 1971 đến 1972, làm chủ tịch Ủy ban Bảo trợ sinh viên – học sinh Huế, hoạt động giúp đỡ các phong trào đấu tranh chống chế độ Mỹ Ngụy của sinh viên – học sinh, thường dự và phát biểu tại các cuộc họp đấu tranh công khai tại trụ sở Tổng hội sinh viên Huế và các giảng đường Viện Đại học Huế. Tháng 4 /1972 đến tháng 3/1973, bị chế độ cũ bắt giam tại nhà giam Thanh Bình (Đà Nẵng), nhà giam Ty Công an Đà Nẵng, nhà giam thẩm vấn Huế và Lao Thừa Phủ.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình ông (trú tại 30 Nguyễn Công Trứ, 8 bis Nguyễn Huệ, nay là 18 Nguyễn Huệ - Huế) là cơ sở cách mạng, một trạm chuyển tài liệu, nơi hội họp, ẩn náu của một số cán bộ hoạt động cách mạng và những người trú tại thành phố tham gia hoạt động bí mật.
Từ năm 1975, ông giữ các chức vụ Ủy viên Trung ương UB MTTQ Việt Nam, PCT UBMT TQ Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên, CT UBMTTQ Việt Nam thành phố Huế.
Trên phương diện nghiên cứu khoa học, ông có nhiều nghiên cứu về lâm học, đô thị học, văn học và để lại 12 giáo trình lâm nghiệp, khoảng 25 tác phẩm nghiên cứu nhiều mặt, đặc biệt về Huế, đã xuất bản tác phẩm “Les travaux de fixation des dunes mouvantes du Centre Vietnam” vào năm 1960 tại Sài Gòn. Ông chủ trương thành lập Nhà xuất bản Sùng Chính, sáng lập tập san Nghiên cứu Việt Nam từ năm 1971, là thành viên sáng lập và giám đốc đầu tiên Trung tâm nghiên cứu Huế, là chủ biên sáng lập tập san Nghiên cứu Huế từ sau năm 1975.