Bình phong, non bộ – trong phong thủy, là “triều”, “án” mang ý nghĩa tượng trưng sẽ làm gia tăng hưng khí cho gia chủ, cản trở tà khí và các yếu tố bất lợi khác vào nhà. Hòn non bộ trong sân vườn người Huế phải là sự kết hợp đồng điệu giữa thủy và thạch (nước và đá). Non bộ trước hết mang chức năng phong thủy sẽ “chắn hỏa, tụ thủy, tích phúc” cho ngôi nhà. Sau đó là tính mỹ thuật kiến trúc cho ngôi nhà. Các thế núi trong tiểu cảnh non bộ bởi thế phải hài hòa, tự nhiên với cả ngôi nhà và sân vườn
Vào sân vườn Huế, người thưởng ngoạn dễ hòa mình với thiên nhiên, cây cảnh vừa mang vẻ đẹp huyền bí, cổ xưa vừa mang sự thân quen, nhã nhặn. Bạn sẽ luôn có một cảm giác khác lạ khi bước vào vườn Huế, lối vào từ cổng, hai bên hàng chè tàu, tấm bình phong bằng gạch đá, bể hòn non bộ và các tầng cây được tỉa tót cẩn thận. Một cảm giác vừa nghiêm nghị, vừa thôn quê. Theo các nhà nghiên cứu, chìa khóa tạo nên sự riêng biệt đặc trưng đó là do sự tuân theo Phong thủy, hài hòa từng nhân tố tạo nên.
Khi xây cất một căn nhà, ai cũng mong muốn ngôi nhà đem điều cát, tránh những tai ương, tật bệnh cho gia chủ và người thân. Phong thủy học là môn nghiên cứu những xoay vần của thiên nhiên, thời tiết, dùng Gió (phong) và Nước (thủy) để đưa dẫn sinh khí vào nhà và xua đẩy hung khí đi khỏi.
Làm nhà vườn, đầu tiên và quan trọng nhất là Định hướng hay Sơn hướng
Sơn hướng xây nhà, làm sân vườn
Thầy Phong Thủy dùng Thiên Can, Địa Chi và Bát quái để xác định sơn hướng làm 24 phần. Sau đó, dựa trên tuổi và năm xây cất mà biết những Sơn hướng hung, cát, đại lợi thế nào.
“An cư mới lập nghiệp”, trong quan niệm của người Huế, cái đất, cái nhà rất quan trọng và càng tránh di dời càng tốt nên khi chọn vị trí, địa thế xây nhà, người ta xem xét rất kỹ lưỡng từ đường sá, sông ngòi đến hướng gió, hướng nắng…Xem sơn hướng phải kết hợp với Cửu cung. Cửu cung là phương pháp dựa vào Lạc thư và Hà đồ, biết được sự xoay chuyển của vận khí. Phải là người uyên bác, giàu kinh nghiệm mới xác định chắc chắn được nên các thầy Phong thủy là người đáng tin tưởng nhất.
Tiếp theo là bước xác định vị trí của ngôi nhà.
Vị trí ngôi nhà nên đặt ở đâu trong sân vườn rất quan trọng. Hướng nào mặt trước, mặt sau, giáp những gì, tựa thế gì,…Có lẽ rằng vì tài liệu phong thủy khá cũ và không được phổ biến rộng rãi thống nhất, cũng như theo kinh nghiệm của mỗi thầy địa lý mà có nhiều cách nhắm hướng. Chẳng hạn, có thể chọn Trạch chủ – bộ phận cốt yếu của ngôi nhà làm mốc. Hay có thể lấy từ trung tâm mẫu đất mà nhắm, hoặc người thì lấy nơi thờ phụng tổ tiên, nơi đặt bàn thờ mà nhắm hướng. Hay thậm chí có người lấy hiên nhà, mặt nhà làm chính vì quan điểm “khai môn phóng thủy”, cứ theo mặt trước nhà mà xuôi dòng. Nhà vườn Huế thường quay mặt về hướng Nam vì người Huế có câu “Vợ đàn bà, nhà hướng Nam”
Kế tiếp là quy hoạch sân vườn
Khi bắt tay vào khu hoạch sân vườn, thợ thiết kế và thi công sẽ xác định các cấu trúc phụ liên quan như bình phong, hồ nước, hòn non bộ,… Các công trình phụ này vừa tạo nên vẻ đẹp hòa hợp cho ngôi nhà và khu vườn, vừa có ý nghĩa về phong thủy là ngăn chặn những bất lợi, tà khí vào nhà.
Bình phong như một “công cụ” để hóa giải xung khắc cho gia chủ. Như khi cần vượng hỏa thì bình phong sẽ là hàng cây, hoặc trồng nhiều cây cảnh quanh như bức tường thành, khi cần hạ hỏa thì bình phong làm bằng đá, gạch, đất đá tức sinh thổ theo Ngũ Hành để khắc hỏa….
Còn hòn non bộ, hồ nước là công cụ phong thủy để “tụ thủy tích phúc”. Các khối đá trong hòn non bộ tạo sự cân bằng cho khuôn đất và phá vỡ những góc chết, tụ khí trên khuôn viên như góc nhà hàng xóm, cây to, trụ điện, ngã ba….
Một chi tiết khác đóng vai trò không hề nhẹ trong kiến trúc cảnh quan nhà vườn Huế là cổng vào, có câu “Phá tiền đường, hại gia trưởng” là chỉ đến mặt tiền, cánh cổng nắm vai trò rất quan trọng đối với chủ nhà về công danh, tiền tài. Chính bởi thế, cổng nhà vườn ở Huế không thể tùy tiện và ngẫu nhiên chọn lựa mà phải đo đạc, vận dụng Bát quái, Sơn hướng để biết cung hợp mệnh của chủ nhà mà xác định vị trí, kích thước cổng, màu sắc và hình dáng biểu trưng của cổng.
Một số ngôi nhà vườn có cổng hậu, và khuyến khích nên mở thường xuyên để luân chuyển tà khí tích tụ trong nhà đi ra, đón phúc khí vào nhà. Nếu phần trước đại diện cho chủ nhà thì phần sau, cổng sau đại diện cho “Tử tôn” (con cháu) nên khi làm cổng sau cũng phải cẩn thận, chu đáo để “có hậu”.
Khi xác định cổng, cửa chính, cửa hậu, lối ra nhà sau, sân vườn,… các thầy phong thủy phải kết hợp cả thước Lỗ Ban hoặc Quan Môn với bước chân của chủ nhà. Nếu dương trạch (nhà ở) đều là dương số (số lẻ) thì số bàn chân của chân trái cũng phải số lẻ. Nhưng lý thuyết này hiện nay không còn được xem trọng vì sự đo đạc dựa trên bước chân còn nhiều chủ quan và ảnh hưởng của nó không thật sự lớn bằng vị trí, hướng của gia trạch, có chăng chỉ là một phần gia giảm không đáng kể mà thôi.
Cuối cùng, Cây cảnh, hoa cỏ trong sân vườn
Lựa chọn cây cảnh, hoa lá trồng sân vườn và trồng ở đâu, vị trí thế nào cũng thật sự là một vấn đề khi xây cất một ngôi nhà vườn ở Huế. Chẳng hạn một số loại cây đại kỵ, tuyệt đối không được trồng như cây tùng dương, cây xương rồng,… vì những loại cây này âm khí khá mạnh lẫn hình ảnh rũ rợi, gai góc như bãi tha ma.
Xem thêm: Cây cảnh chơi Tết mang ý nghĩa tài lộc
Khoảng sân vườn của người Huế thực sự khá rộng, họ có thể phân khu vườn thành nơi trồng rau, hoa cỏ, cây ăn trái và cây thuốc. Chính bởi thế, việc sắp xếp thế nào cho hợp lý là việc khá đau đầu khi xây dựng. Nhìn chung, cây cỏ trong vườn không ảnh hưởng lắm về mặt phong thủy nhưng về tính thẩm mỹ và tiện lợi của người trong nhà thì có như câu “Chuối sau, cau trước” cũng là có hàm ý. Chẳng hạn góc điếm thưởng trà thì nên trồng hoa, cây kiểng để vừa ngắm vừa thưởng hoa, hay vườn rau thì nên ở gian sau, gần góc bếp để tiện dụng,… Phía nhà trước thì nên trồng hàng cau vì cau thẳng đứng, thân cây thuộc Mộc (khác với cây chuối, cây dây leo thuộc “Thủy”), mộc sinh hỏa, giúp về đường công danh.
Cây cối trong vườn trồng trước nhà không nên sum suê, um tùm, rối mắt, bóng cây cổ thụ, cây cao chiếu vào nhà làm cản Minh đường. Lỗi này những nhà phía tây thường mắc phải, nên lời khuyên là trồng cây ở chái đông nhà (thuộc Mộc) hoặc nhà sau (thuộc Thủy) để cây phát triển tốt mà không phủ tà lên nhà trước gây họa cho gia chủ.
Nhà vườn ở Huế là một kiến trúc độc đáo, chứa đựng nhieuf kiến thức, kinh nghiệm về phong thủy lẫn nghệ thuật, thẩm mỹ. Bản thân ngôi nhà vườn đã mang sẵn tính cách sâu sắc và hàm súc của người Huế. Và cuối cùng, phong thủy trong kiến trúc nhà Huế từ cung điện, lăng tẩm đến nhà vườn là một di sản kiến thức độc đáo khó lòng giải mã được dụng ý người xưa