Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
(Hàn Mặc Tử)
Chúng tôi vẫn cho rằng, thi sĩ Hàn Mặc Tử từ mấy mươi năm trước dường như đã cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo và bí ẩn của vườn Huế khi ông lạc vào vùng Vỹ Dạ. Bởi Vỹ Dạ hồi ấy còn nguyên vẹn là vùng đất của phủ đệ - nhà vườn. Chẳng rõ là vẻ đẹp của vườn hay vẻ đẹp của người con gái Huế đã quyến rũ ông hơn?
Được thiên nhiên ban tặng cho những ưu thế đặc biệt, từ hàng trăm năm trước Huế đã được mệnh danh là thủ phủ của nhà vườn, là vùng đất của thi ca, nhạc họa. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng đã từng có câu nhận xét thật độc đáo: "Đô thị Việt đều là đô thị sông nước nhưng nếu Sài Gòn là một cảng thị, Hà Nội là một thành phố nội địa với tính hướng nội rất cao thì Huế lại là một thành phố nhà vườn, thành phố thơ". Cũng chính là đặc điểm thành phố vườn đã góp phần rất lớn làm nên chất thơ của Huế, khiến Huế trở thành một “kiệt tác về kiến trúc thơ đô thị”.
Vườn Huế khác với vườn Nam bộ, cũng khác hẳn với vườn ở đồng bằng Bắc bộ. Vườn Huế vốn dĩ chủ yếu là phủ đệ, hoa viên của tầng lớp quan lại quý tộc tại khu vực kinh đô thời quân chủ. Bởi thế, trên một khía cạnh nào đó, vườn Huế chính là lưu ảnh của một thời Huế vàng son rực rỡ… Bước vào vườn Huế người ta thường bị vẻ đẹp tự nhiên mà huyền bí của tất cả các nhân tố trong vườn lôi cuốn, từ chiếc cổng cổ kính đến lối đi trải gạch hoặc rãi sỏi uốn lượn theo đôi hàng chè tàu, đến chiếc bình phong, bể cạn, non bộ cùng các tầng cây cối sum suê nhưng lớp lang thứ tự. Chìa khóa tạo nên vẻ đẹp đó, theo nhiều nhà nghiên cứu, dường như chính là do Phong thuỷ tạo nên.
Chủ nhân của các khu vườn Huế (thường gọi là nhà vườn bởi vườn luôn luôn gắn với ngôi nhà rường truyền thống tạo nên kiểu kết cấu nhà - vườn không tách rời) khi dựng vườn bao giờ cũng cẩn thận tuân thủ những nguyên tắc của thuật phong thủy được lưu truyền từ nhiều đời. Dĩ nhiên khi tạo lập một ngôi nhà vườn, người ta có những mục đích không hoàn toàn giống nhau: người lớn tuổi thì muốn có một nơi ở để an dưỡng tuổi già, người bận rộn với công việc thế sự thì cần có môi trường yên tĩnh nghỉ ngơi, người có sẳn tiền bạc thì muốn phô trương vẻ tao nhã… Nhưng dù với sở thích gì đi nữa, ai cũng muốn có một ngôi nhà vững bền với thời gian, một ngôi nhà có thể truyền lại cho con cháu sau này. Mặt khác khi con người sống trong một ngôi nhà ai cũng như ai đều mong muốn với ngôi nhà đó đem lại thuận lợi không những cho mình mà còn cho với những người thân thuộc, tránh được những tai ách, bệnh tật ; nói chung là tìm cát tránh hung. Sở thích cộng thêm ước muốn đã tạo thành mục tiêu cho chủ nhân khi qui hoạch ngôi nhà vườn của mình. Phong thủy học hay gọi đơn giản là môn Địa Lý là phương cách giúp chủ nhân có thể có được những thuận lợi dưới ảnh hưởng của thiên nhiên thời tiết, khả dĩ đem lại sức khoẻ cho bản thân và những người sinh hoạt trong một ngôi nhà. Đó là phương pháp điều tiết các yếu tố Phong (gió) và Thủy (nước) để dẫn khí lành và ngăn chận khí hung vào nơi mình sinh sống.
Điều đáng nói là người Huế thường gọi công việc tạo dựng một khu vườn là xây vườn chứ không bao giờ gọi là trồng vườn. Nó chứng tỏ việc tạo lập một khu vườn được xem như việc xây dựng một công trình kiến trúc, có quá trình quy hoạch, thiết kế và xây dựng rất bài bản.
Bước đầu tiên của công tác quy hoạch một khu nhà vườn là xác định hướng. Sơn hướng là tối quan trọng! Đó là câu trả lời chung từ các chủ vườn, các thầy địa lý ở đất cố đô khi được hỏi, yếu tố nào là quan trọng nhất khi bắt đầu quy hoạch một khu vườn.
Sơn hướng gồm 24 phần khi phân chia không gian, dùng Thiên Can, Địa Chi cùng Bát quái để xác định. Tuỳ theo tuổi, và tuỳ theo năm sẽ có những Sơn hướng đại lợi hoặc hung sát. Đây là cách khá phổ biến và tương đối dễ hiểu. Chính vì thế mà nhiều người chỉ cần lật sách xem tuổi của mình trong Lục thập Hoa giáp, nếu thấy hợp với hướng nào thì cố tìm cách để mua cho được mảnh đất để có thể quay về hướng đó.
Người Huế quan niệm, Sơn hướng hay địa thế là vị trí của cả cuộc đất mà trên đó sẽ dựng cơ nghiệp lâu dài nên nhất thiết phải xem sông ngòi, đường sá, để biết thuỷ tụ nơi nào, hướng gió lợi hại ra sao… Về mặt này cần phải có một kiến thức sâu rộng về phong thủy mới xác định được nên người ta thường phải nhờ vào các thầy phong thủy để định hướng cho khu nhà vườn của mình.
Một số nhà Phong thủy học khác lưu ý rằng, chú ý sơn hướng nhưng phải phối hợp với Cửu cung. Nếu tốt hơn là hợp với bản mệnh của chủ nhà. Cửu cung là phép tắc dựa vào Hà đồ và Lạc thư, để biết sự xoay chuyển của vận khí. Cách tính toán cũng không đến nỗi phức tạp, được xem là một phương pháp đã có sự cải biên, không dựa vào cổ pháp. Tuy nhiên cũng có người cho rằng, khi xác định hướng thì Mệnh chủ không quan trọng lắm vì theo quan điểm của họ, thì không lẽ đến đời con, đời cháu có tuổi khác với gia chủ thì khu vườn lại phải đổi hướng sao? Vả lại căn cứ vào thực tế, nhiều nhà vẫn ở yên ổn đến bốn năm đời mà có đổi thay gì đâu. Vì vậy, một số chủ vườn Huế lại cho biết, khi xác định hướng vườn người ta đã chú trọng địa thế chứ ít chú ý đến Mệnh chủ. Nhưng khi xác định hướng trên thực tế lại phối hợp với ngũ hành để điều tiết. Đây là cách dựa vào cổ pháp, mục đích là chế một ngôi nhà làm sao cho cân phân ngũ hành. Trong lý thuyết về Phong thuỷ đã quy định rõ về ngũ hành cho một ngôi nhà, những phần nào thuộc kim, thuộc hoả, hoặc thuỷ, thổ, mộc…Với lý giải của quan điểm này có thể dễ dàng giải thích cách bố trí thích hợp cho ngôi nhà vườn hơn là hai quan điểm trên.
Tuy nhiên, cũng có một nhóm các nhà phong thủy cho rằng, khi xác định hướng của khu vườn, cần phải dựa vào Bát quái đồng thời cũng phải căn cứ vào mệnh cung của chủ nhân.
Dựa vào Bát quái tức dựa vào tám hướng của 8 quẻ trong Bát quái, nhưng hướng này phải thích hợp với chủ nhân, tức xem chủ nhân thuộc Đông hay Tây tứ trạch. Đông có 4 hướng, tây có 4 hướng nhưng chỉ có hai hướng trong đó là tốt mà thôi. Nếu gặp trở ngại họ sẽ chuyển hướng cổng sao cho thích hợp (dựa vào câu “môn chuyển tinh chuyển” trong Địa lý).
Nếu gặp nhà thờ chung cho nhiều người, không có chủ nhân thì thường lấy “Họ” (như Lê, Nguyễn, Trần chẳng hạn) rồi lấy số nét để tính…
Tiếp theo là bước xác định vị trí của ngôi nhà. Vị trí của ngôi nhà trong khu vườn rất quan trọng.
Đó là đề cập đến hướng của ngôi nhà, phía trước là hướng nào, dựa vào hướng nào. Với quan điểm xem hướng là quan trọng. Nhưng hướng được nhắm từ đâu? Vấn đề này cũng có những lý giải khác nhau:
- Người thì chọn Trạch chủ, tức bộ phận được xem là chính yếu nhất của ngôi nhà.
- Người thì lấy từ trung tâm ngôi nhà tính ra (theo cách hình học), nhưng cách này tương đối mới.
- Người thì lấy nơi thờ phụng làm chính yếu. Nghĩa là gian thờ đặt tại vị trí nào thì lấy từ đó tính ra để nhắm hướng. Quan điểm này dựa vào sách "Dương trạch ái chúng thiên,"
- Người thì lấy hiên nhà làm chính, bởi hiên nhà chính là phần “mặt tiền”-phần đại diện cho chủ nhân trong mọi ứng xử. Quan điểm này dựa vào câu "khai môn phóng thủy" trong Địa lý.
- Người thì tùy theo mục tiêu của chủ nhân để đưa nhà sang trái hay phải, lấn về trước hay lùi về sau. Đây là phép tắc dựa vào địa thế và Ngũ hành.
Trong dân gian xứ Huế, nói chung là người ta yêu thích hướng Nam, thích nhà quay mặt về hướng Nam: “Vợ đàn bà, nhà hướng nam”. Nhưng đối với những người muốn xây dựng vườn ngày xưa-chủ yếu thuộc giai cấp quý tộc, quan lại thì hướng nam không hẳn là quan trọng. Cốt là hướng khu vườn, hướng nhà phù hợp với địa thế của khu vực cùng vận mạng của bản thân. Những yếu tố không phù hợp sẽ dùng các phương pháp của phong thủy để điều tiết.
Bước thứ ba khi quy hoạch vườn là người ta sẽ xác định những cấu trúc phụ chung quanh ngôi nhà-tòa kiến trúc chính của khu vườn, như bình phong, non bộ, hồ nước.... Phần lớn các nhà phong thủy đều cho rằng những công trình phụ này được tạo nên do hai mục đích:
- Hỗ trợ và tạo nên vẻ đẹp hoàn chỉnh của ngôi nhà và khu vườn.
- Ngăn chận những điều bất lợi có thể đến với chủ nhân cùng gia quyến.
Việc tạo sự hoàn chỉnh cùng vẻ đẹp của khu nhà vườn là điều đương nhiên. Còn việc ngăn chận, hay tạo thuận lợi về mặt phong thủy thì được hiểu theo nhiều cách giải khác nhau.
Như cái bình phong, người thì quan niệm sử dụng để tránh lối đi thẳng vào nhà (nhất là nhà thờ vì như vậy không đúng lễ ngày xưa), người thì cho rằng tránh được đường trực xạ vào nhà, người thì bảo tránh dẫn hỏa vào nhà, người dùng Ngũ hành lại nghĩ rằng đó là cách tạo một hành trung gian để tuỳ cơ mà điều tiết (như cần làm vượng hỏa lên thì làm bằng hàng cây- thuộc mộc-để kích hỏa lên; cần làm giảm bớt hỏa khí thì bình phong làm bằng đất đá - thuộc thổ - để khắc bớt hỏa) ....
Còn như hồ nước, người thì cho là tạo nơi “tụ thủy tích phúc” nên cần phải xem xét kỹ vị trí, người thì cho là chỗ cản hỏa khí nên đương nhiên phải đặt trước nhà…
Đối với các yếu tố khác như giả sơn - non bộ hay những đá tảng, người thì cho rằng, đặt non bộ hay sắp xếp các tảng đá là nhằm tạo sự cân bằng cho ngôi nhà, người thì cho là tạo sự ngăn cản các yếu tố chung quanh không phù hợp (như nhà nặng về mặt đông thì cần có những non bộ hoặc đá tảng lớn ở tây để tạo cân bằng, hoặc tạo non bộ để cản những vật bên ngoài như góc nhà người khác, trụ điện, cây to… bắn khí vào nhà).
Vị trí của các cấu trúc phụ này còn có ảnh hưởng quan trọng đối với các phần của ngôi nhà như phần Chu tước (tiền đường), Huyền vũ (phần hậu)... Tác động vào chúng sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến chủ nhân và các thành viên trong gia đình. Sách Địa Lý có câu như: "Phá tiền đường hại gia trưởng"...
Yếu tố có ảnh hưởng quan trọng nhất đến khu nhà vườn là chiếc cổng/ cửa chính của vườn. Khi xác định vị trí cho chiếc cổng/cửa cũng được thực hiện rất công phu, và về vấn đề này cũng có nhiều quan điểm khác nhau:
- Nhiều người đo cổng thì lấy theo cung hợp với mệnh của chủ nhân. Mỗi cung đều có hướng riêng của nó, như Mệnh chủ hợp với cung Li thì nên mở cổng hướng Nam chẳng hạn... Cũng có người vận dụng cả Bát quái, hay Sơn hướng để xác định vị trí và kích thước của cổng.
- Người thì dựa vào Ngũ hành cho rằng cổng liên quan đến bên ngoài, tùy vị trí ngôi nhà mà điều tiết vị trí để dẫn khí của các hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa) vào nhà cho thuận lợi. Lại phải xem xét hướng của nhà đối với hướng của thiên nhiên để luận vượng suy của Ngũ hành mà điều chỉnh.
- Lại có quan điểm phối hợp giữa môn (cổng) và hộ (cửa) theo câu "Môn đương hộ đối". Đây là quan điểm phổ biến nhất, có nguồn gốc xa xưa từ bên Tàu.
Gặp ngôi nhà khó sửa được hướng (như phải nhìn ra đường, nhìn ra sông...) thì cần sửa cửa để làm là lệch hướng cổng. Lại có thể chuyển cửa lên tầng gác, nếu phần dưới không sử dụng để sinh sống...
Ảnh hưởng của cổng/cửa đối với gia chủ, người thì cho nặng về công danh, quan hệ bên ngoài, người thì lại nặng về tiền tài, phúc lộc..
Ngoài ra, một số nhà phong thủy quan niệm, cần mở cổng hậu hoặc để lấy khí từ mặt sau nhà, hoặc để thủy khí có nơi thoát. Với quan điểm phần sau nhà là biểu tượng cho con cháu (tử tôn) nên vị trí của cổng hậu cũng phải theo hướng phù hợp chủ nhân, hoặc phù hợp Ngũ hành... Trong dân gian vùng Huế cũng thường có quan niệm làm nhà cho có phần hậu....
Mặt khác, cổng/cửa lại có liên hệ đến hướng bếp ở trong nhà nên người ta còn phải tùy vị thế của cổng và cửa mà chọn hướng bếp cho thích hợp.
Dụng cụ quan trọng nhất mà người ta sử dụng để tính toán kích thước của cổng/cửa và nhiều yếu tố khác trong khu nhà vườn là cây Thước Lỗ Ban.
Thước là dụng cụ khá thông dụng đối với các thầy phong thủy tại Huế hiện nay. Tuy nhiên trên thị trường xuất hiện quá nhiều loại thước kích cở khác nhau, chính người sử dụng cũng không rõ là mình đang sử dụng là loại thước gì. Ngay những người thợ xây dựng cũng có ghi chép truyền tay những kích cỡ về cổng, cửa... cho là tốt, hoặc dựa theo một số thầy phong thủy, hoặc dựa theo vạch màu đỏ ghi trên thước đang bán tại thị trường.
Theo ý kiến của một số thầy phong thủy, thì thước Lỗ Ban với chiều dài 33 phân (= đường kính 10 đồng tiền nhà Chu) không còn được sử dụng hiện nay tại Huế, mà phần lớn dùng thước Quan môn (Quan môn xích) dài 4 tấc 18 li. Trước kia người ta còn dùng loại thước tương truyền có từ đời Gia Long, bằng đường kính của 22 đồng tiền (ăn 3) niên hiệu Gia Long dài đến 5 tấc 5 phân 8 li. Thước Quan môn gồm 8 cung, mỗi cung lại chia 5 phần. Theo ý của họ thì "Quan" có nghĩa là "mở" vì thước này chính yếu dùng để mở cổng.
Thông thường dùng thước Quan môn để đo bề rộng của cổng, cửa chính, lối ra nhà sau, cửa hậu… là những yếu tố được xem là chính yếu của khu nhà - vườn, còn những cửa khác cũng được xem xét nhưng không quan trọng bằng.
Khi đo đạc tính toán các kích thước trên, thầy phong thủy thường phối hợp với bước chân của chủ nhân. Với nhà ở (dương trạch) đều dùng số lẻ (dương số), nên số bàn chân (đặt nối tiếp) của chân trái cũng là số lẻ như 1, 3, 5, 7, 9 ..., số lượng căn cứ vào kích thước của cổng/cửa rồi gia thêm một phần trên thước Quan môn mà dừng ở cung thích hợp. Vì thế chỉ dùng trong phạm vi của một thước Quan môn, mà không dùng bội số của thước Quan môn khi mở những cổng hay cửa khá lớn (tức đo đến hai, ba, bốn, năm thước chẳng hạn).
Trên thực tế khi khảo sát, đo đạc lại các cổng/cửa của những công trình kiến trúc cổ tại Huế, như phủ thờ, cổng cung miếu điện... bằng cây thước Quan môn, chúng tôi thấy, kích thước các công trình không hoàn toàn rơi vào những cung tốt trên thước. Ngay trong cùng một cấu trúc kích thước giữa cửa và cổng cũng không tìm ra được sự phối hợp tương thích theo quy tắc phong thủy (như cổng có cung tốt thì cửa lại rơi vào cung xấu). Điều này thật khó lý giải?!
Một số thầy phong thủy từng tính toán cho rất nhiều khu nhà vườn lại có quan niệm khá “thoáng”. Họ cho rằng, không lẽ chỉ lệch một đôi phân của cổng/cửa mà làm biến đổi được vận mệnh con người? Vì thế nên kích thước cổng và cửa chỉ là phụ, không quan trọng bằng vị trí của chúng.
Một nhân tố nữa không thể không đề cập đến trong nhà vườn là các loài cây cối, hoa cỏ được trồng và bố trí như thế nào cho phù hợp.
Người xưa cho rằng, nhìn cây cỏ trong vườn có thể biết được cá tính của người trồng. Điều này thì phần lớn các chủ vườn tại Huế ngày nay vẫn nhất trí. Có những khu vườn, việc trồng các loại rau, cỏ, hoa, cây ăn trái, cây thuốc…được quy hoạch sắp xếp rất tỉ mỉ; như hoa trồng trong khoảnh riêng, rau trồng riêng... và ngay trên vườn hoa cũng phân loại dùng để ngắm, loại dùng để uống trà... Nhưng phần lớn vườn Huế đều ít làm theo cách này. Các loài cây cỏ hoa trái trong vườn được bố trí như có vẻ rất tự do và dường như xen lẫn vào nhau, hòa vào nhau. Triết lý và đạo đức Phật giáo có lẽ đã có sự ảnh hưởng còn quan trọng hơn các yếu tố phong thủy khi người ta quy hoạch, bố trí các loài cây cỏ trong vườn.
Chính vì vậy, phần lớn các thầy phong thủ ở Huế đều cho rằng, những cây hoa cỏn con chẳng ảnh hưởng là bao đối với nhà vườn, mà chỉ ảnh hưởng về mặt mỹ thuật, trừ phi khoảnh trồng chiếm một diện tích khá lớn mà thôi. Ví như, nếu trước nhà trồng quá nhiều cây thân thảo chứa nước như chuối, bầu bí...thì không được lợi về công việc (vì nước là Thủy, Thuỷ khắc Hỏa thì vượng khí, công danh khó lên...). Thế nên mới có câu: “Chuối sau, cau trước”. Vì cau là cây thân mộc, Mộc thì kích được hỏa khí, giúp về công danh cho chủ nhân. Hay người ta cũng quan niệm trồng cây tạo sự u ám phía trước nhà cũng sinh bất lợi cho chủ. Quan điểm chung là phía trước cần thoáng vì “Minh đường” luôn phải thoáng đãng. Lại có người cho rằng, để bóng đại thụ chiếu vào nhà thì không tốt (trường hợp này nhà xây về phía tây thường gặp), tốt nhất là nên trồng cây ở chái đông nhà (thuộc mộc) hay sau nhà (thuộc thủy) thì cây sẽ sinh sôi nảy nở hơn và ít ảnh hưởng đến chủ nhân hơn. Quan điểm này có lẽ phát sinh từ xưa, khi xếp đặt cho người vợ, hay mẹ ở chái bắc (phần sau nhà), nên trồng các loại rau dùng trong bữa ăn tại đấy). Thành thử hiện nay tại Huế, một số nhà vườn nếu trồng đại thụ thường ở cách xa nhà (nếu trồng phía trước) và không trồng nhiều ở chái tây để tránh tạo nên sự u tối, nếu cần bóng mát thì họ đều trồng ở chái đông hoặc phía sau.
Khi trồng các loại cây cối trong vườn, người ta luôn chú ý đến nguyên tắc “nước chảy về đông”, tức trồng cây phải tính từ chái tây sang chái đông, thì việc trồng trọt mới thuận lợi.
Nhà vườn của Huế đã có lịch sử mấy trăm năm hình thành và phát triển và tích luỹ kinh nghiệm. Bản thân nó đã chứa đựng và thể hiện rất nhiều yếu tố văn hóa sâu sắc và hàm súc của người Huế. Phong thủy trong nhà vườn Huế là một nhân tố rất độc đáo mà nếu không giải mã được thì thật khó mà hiểu được dụng ý của người xưa.