1. Việc xây dựng kinh thành Huế trong quá khứ với khuôn viên rộng tạo sự uy nghiêm và cách ly với quần chúng đã khiến cho thiên nhiên với cây, trái, hoa, lá, cỏ, đá... lẫn những quảng trường được thiết lập, trở thành không gian hoành tráng, làm nền tôn tạo cho kiến trúc cung đình mà đằng sau hoàng thành cũng là hệ thống những khu vườn ngự, muôn hương nghìn sắc. Trên phép ứng dụng các yếu tố phong thủy, khu vườn lớn của Huế lồng trong thiên nhiên mà phần nào đã tựa vào thành quả của tạo hóa như sông, núi, cồn, bãi... đó là những cảnh sắc tiền, hậu, tả, hữu tuyệt đẹp tô điểm cho những “đại hoa viên” được tạo dựng một cách khéo léo và có dụng ý của con người.
Nói đến ngoại hình cảnh quan Huế, điều trước nhất phải đề cập đó là thành phố vườn. Chính vì nó mà phần lớn người Huế không có nhu cầu hay cái thú dạo công viên. Trong lúc, dân ở những thành phố lớn khao khát một không gian thiên nhiên yên ắng để tan loãng mình vào hồn của cỏ cây, khép lại khoảnh khắc của sự náo loạn và căng thẳng trong mọi mối quan hệ xã hội, mà bản thân những ngôi nhà chung vách hàng hàng, lớp lớp, đã cắt trong họ mối liên hệ giữa con người và thiên nhiên. Ở những nơi này, nhu cầu sinh hoạt trong công viên mỗi sớm, mỗi chiều để đọc báo, tản bộ, thư giãn... thiết thân đến độ ở đâu cũng đầy đặc người; nhất là những người già, khi tuổi trời đã đẩy họ xa dần với những trói buộc, bon chen trong mọi cuộc cạnh tranh kiếm sống. Trái lại, người Huế sống cạnh những “đại hoa viên”, sông, núi, cây, cỏ gần gũi đến mức ở đâu cũng có thể trông thấy, và bất cứ ai có cơ hội, cũng cố tạo một khung thiên nhiên cho chính mình, có khi chỉ là một khoảng rất nhỏ, cố sắp xếp và tận dụng như một loại “vườn treo” trên trần mái. Người Huế ngồi ở nhà đã tự cảm thấy đang sống trong nhiều tầng công viên, có thiên nhiên của tự nhiên và thiên nhiên tự tạo quanh mình.
2. Khi Huế đang còn là nơi đặt bộ máy điều hành hoạt động của xứ Đàng Trong và sau đó là toàn bộ đất nước, khối viên chức trong tam ty thời các Chúa hay trong lục bộ dưới triều vua Nguyễn; khối hoàng thân quốc thích, kể cả những tầng lớp giàu lên nhờ ân sủng của chế độ phong kiến để dần dần thượng lưu hóa...đã bằng quyền lực và tiền tài xây dựng một hệ thống các cung điện, phủ đệ, lăng tẩm, đền miếu, từ đường...; có nơi là kiến trúc công, nhưng, cũng có nơi là cơ ngơi riêng của từng cá nhân hay dòng tộc, và không phải không có những khuôn viên như một “tiểu triều đình” trong cấu trúc lẫn quy mô. Chính nơi đây, những khu vườn lớn thứ hai như các vệ tinh được thiết lập quanh Huế, tạo nên những ấn tượng củng cố cách nhìn cho du khách về một thành phố vườn.
3. Không phải từ khi người Việt vào Nam, mà trong dòng truyền bá từ đất Ấn, Phật giáo đã thấm dần trên vùng đất Trung Bộ nói chung và Huế nói riêng từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Đó là một trong những lý do tại sao Huế trở thành đất thánh cho việc xây dựng chùa, tu viện, thảo am Phật giáo. Chấp cánh cho mật độ chùa ngày càng nhiều trên đất Huế, phải kể đến thời gian ra đời của Huế với tư cách là thủ phủ của xứ Đàng Trong, nơi mà các Chúa dẫn dắt đoàn lưu dân vượt sông Gianh, bám lấy giáo lý nhà Phật như là biện pháp để an dân, đối phó với vùng đất mới nhiều thử thách, cũng như để xoa dịu nỗi buồn xa xứ... Chùa Huế vào thời nhà Nguyễn, với chủ trương của triều đình theo phương châm “cư Nho - mộ Thích” đã tạo điều kiện cho việc quy mô hóa các ngôi quốc tự, cũng như sự ra đời của một số danh lam khác.
Công cuộc chấn hưng Phật giáo vào đầu thế kỷ XX cũng là những nhân tố quan trọng để chùa Huế càng nhiều. Vườn chùa, vườn thiền là những không gian mới điểm tô cho vườn Huế, bởi thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, đá, nước... như là yếu tố tiên khởi cho sự hiện diện của kiến trúc Phật giáo. Từ những khu vườn được quy hoạch phối hợp kiến trúc theo dạng tổ hợp với mô hình thiết kế chữ Công, chữ Đinh hay nội công - ngoại quốc của một số các ngôi quốc tự hay đại danh lam, cho đến những ngôi thảo am đơn giản, thoát tục ẩn hiện thấp thoáng trong rừng cây xanh; sự đa dạng của bố cục và cảnh sắc vườn Huế từ các thiền viện tạo nên cho Huế nét trầm mặc, cổ kính và thanh thoát. Có nơi, thiên nhiên được tái tạo một cách kỳ diệu và kín đáo; sự đơn giản, mộc mạc xen chút hoang sơ đã trở thành những thuyết minh không lời về cuộc sống bình dị, nhẹ nhàng của chủ nhân.
4. Những loại hình vườn vừa đề cập, bấy lâu được xem như đối tượng khảo sát hay điểm miêu thuật để khái quát thành những đặc trưng vườn Huế. Thật ra, đây chỉ là một mảng đáng kể trong quá trình tìm hiểu khung không gian văn hóa nhà vườn xứ Huế, bởi, tính phổ biến nhưng cũng mang chất đặc thù không kém của vùng đất này chính là những ngôi nhà vườn dân dã. Sự hình thành của loại nhà - vườn mà chủ nhân là những người nông dân chất phát - bình dị, đều là những hình ảnh cũng như những cứ liệu quan trọng chứa đựng nhiều yếu tố về mặt triết lý, phong tục, văn hóa... của đại bộ phận quần chúng cư trú trên vùng đất này.
Địa hình, địa mạo Miền Trung và Huế nói riêng, chỉ nhìn trên bản đồ tự nhiên, chúng cũng đã tự nói lên nhiều điều; tuy có chút khập khiễn trong so sánh, nhưng dù sao hai đầu Nam - Bắc Việt Nam vẫn cho ta thấy được nét đặc trưng của hệ sinh thái và văn hóa châu thổ. Ngoài khu núi rừng phía Bắc - Tây Bắc, nôi sinh tụ để làm nên văn hóa Việt cổ vẫn là những vùng trũng phù sa của sông Hồng - sông Mã. Hình ảnh đặc trưng của xóm làng Nam Bộ vẫn tồn tại trên vùng trũng màu mỡ với kênh rạch chằng chịt của đồng bằng phù sa Cửu Long Giang...
Trong lúc đó, lát cắt trắc diện của cấu tạo địa hình Miền Trung trông thật xa cách với hai đầu đất nước. Cư dân ở đây quần tụ trên những dạng thiên nhiên “giàu chất thơ” nhưng lại đầy thách thức với người sống bằng nghề trồng trọt. Cuộc hành trình từ Đông sang Tây ở khúc eo thắt này có thể giải quyết bằng phương thức đi bộ trong ngày - cho nên, cơ cấu kinh tế mang chất tiểu vùng cũng từ đấy nhập nhằn khó phân biệt. Người nông dân có thể thu nhập thêm bằng nghề sơn tràng hay đánh bắt cá. Ngư dân cũng không xa lạ với sản vật núi rừng. Vùng thổ cư tồn tại trên những dạng địa hình dễ nhìn thấy, dễ quan sát và so sánh bằng hình ảnh cụ thể trong tầm mắt nhìn. Đó là những khu cư trú ven biển và đầm phá, nơi xuất hiện các dãi đại trường sa, tiểu trường sa như bức bình phong vừa che chở, vừa cản trở, đe dọa từ hiện tượng cát bồi, cát lấp vùng trồng trọt. Các khu canh tác ở đây tồn tại trên vùng đất pha cát nhiễm phèn, nhiễm mặn mà người dân địa phương gọi là “đất trạng”.
5. Huế cũng là nơi mật tập của những sông suối, nguồn nước lớn, cắt vụn địa hình; phía Tây là núi với những chiếc chân “nghịch ngợm” chìa ra tận biển. Vùng thổ cư giãn dài trên những dãi phù sa nhỏ hẹp; đây có thể xem như một phần trong khu vực đồng bằng ít ỏi của Huế. Các dãi đất thịt này phân bổ chủ yếu theo trục các nguồn nước chảy từ Tây sang Đông hoặc Tây bắc - Đông nam. Hình ảnh những khu vườn ở đây chính là nơi mà số lượng chủng loại, cũng như độ thâm canh được chú trọng nhiều nhất. Người làm vườn trên vùng đất này tỏ ra tự tin hơn về khoản thu nhập từ cây trái, rau quả. Câu nói cửa miệng của họ đã bắt đầu hàm chứa chút tự hào: “lóc xóc không bằng góc vườn”.
Các kiểu nhà vườn thượng lưu lẫn dân dã thuộc loại hình này ở Huế phân bổ chủ yếu dọc các con sông và phân lưu của nó. Những khu vườn nổi tiếng ở trung tâm và vùng ven Huế được xây dựng dọc hai bờ sông Hương với Long Hồ, Ngọc Hồ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Kim Long, Dương Xuân, Vĩ Dạ... Điều dễ nhìn thấy nhất ở đây là loại hình vườn tạp, đa chủng, đa tầng; tính chuyên canh không cao và cứ mùa nào thức ấy, cung cấp nguồn thực phẩm, sản vật liên quan đến nghi lễ, phong tục, hương liệu, sức khỏe, giải trí - thư giãn, triết lý nhân sinh lẫn sinh hoạt thiết thực cho con người. Nguồn cung cấp thường xuyên, khiêm tốn bởi tính đa chủng của các khu vườn Huế như một loại kho hậu cần cho những hoạt động của kiểu gia đình nặng chất khép kín, tự cấp và hướng nội.
6. Sát cánh hay nói đúng hơn là xen kẽ với các kiểu vườn vừa nêu, là địa hình của vùng gò đồi; có thể xem đây là khoản giao tiếp của sườn Đông Trường Sơn với dãi cát biển, đầm phá. Qua những biến động của lịch sử và tác động của con người, vùng gò đồi Thừa Thiên- Huế, ngoài những thung lũng nhỏ hẹp để khai thác ruộng nước, những khu rừng nguyên sinh ngày càng trở nên hiếm hoi; phần lớn trong chúng là rừng trồng, rừng tái sinh, hoặc những dãi bạc màu vì xói lở, thảm thực vật của những vùng gò đồi trọc này là hệ cây sim, mua, tràm, chổi... chịu hạn và có thể tồn tại trên những loại đất nghèo dinh dưỡng và điều kiện sống khắc nghiệt. Vùng thổ cư và canh tác của các làng xã ở đây cho ta thấy hình ảnh của những kiểu vườn với hệ cây chịu hạn, hoặc thích hợp với thổ nhưỡng, điều kiện về độ ráo và địa hình cao. Vườn ở đây cũng tỏa rợp bóng mát của các loại cây lấy gỗ, tre, nứa, chè, nhãn, bồ kết, thơm, mít, đu đủ... ngoài ra còn trồng rau, bầu bí, mướp, và nhất là là cây su su... Chúng ta có thể thấy những khu vườn điển hình này ở Thủy Xuân, Thủy Bằng, các xã phía Tây của Hương Thủy, Hương Trà, Phú Lộc... Chủ nhân thường giải quyết thu nhập kinh tế qua việc chăm bón và thu hoạch từ hệ cây trồng này; ngoài ra, còn kết hợp với việc khai thác than củi và một số ngành thủ công. Tính chuyên canh ở những khu vườn này nổi trội hơn so với các địa hình khác. Mối quan hệ giữa vườn - nương và rẫy cũng rõ ràng hơn.
Do sự đa dạng về mặt địa hình cảnh quan đã làm nên sự đa dạng cho những khu vườn Huế. Sự hội tụ và giao lưu với tư cách là thủ phủ miền rồi kinh đô của nước trong giai đoạn lịch sử trên 300 năm cũng đã tạo nên không gian cư trú cho nhiều tầng lớp xã hội; tạo nên chất đa tính cách cũng như sự phong phú về mặt tư tưởng, bố cục, quy mô, thiết kế vườn. Chính nét thơ mộng trữ tình của sơn thủy xứ Huế đã trở thành những gợi ý của tạo hóa cho con người tổ chức không gian cư trú của mình thành những tiểu thế giới hòa vào đại cảnh của thiên nhiên. Cho nên, nét đặc trưng của nhiều loại hình nhà vườn ở Huế là tính pha tạp, đa chủng loại, có tính toán của chủ nhân đối với hệ cây trồng. Bố cục vườn Huế thường thuận theo khung thiên nhiên, không hoành tráng đến thách thức để khẳng định mình trong việc tái dựng lại cảnh trí cư trú. Tính chuyên canh của những khu vườn ở đây không lớn, chủ nhân chỉ thích mùa nào cũng có sản vật, không màng đến thời vụ để thu hoạch theo kiểu hàng hóa.
Không gian xanh ở đây tưởng như do tự nhiên bày sẵn, nhưng nếu chú mục thì chúng ta cũng có thể nhận ra trong vườn Huế là hệ cây dại được giữ lại có mục đích như rau má, mã đề, rau trai, me đất, ngò tây, rau rìu, rau éo...; những cây hoa phục vụ phong tục tín ngưỡng như phượng, hoàng anh, mỏ keo, hoa chuối...; cây hương liệu để pha trà như sói, tường vi, ngâu, lài, mộc...; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị như ngãi cứu, hành, riềng, sã, ớt, rau tờn, long tu, lá lốt, rau thơm, rau răm, quế, húng...; cây cảnh không chỉ tùng, trúc, sanh, si...mà còn có hệ cây của vùng gò đồi như sim, mua, tràm, chổi...; hoa cảnh như: lan, hồng, cúc...; hoa tạo hương như dạ lý, hoàng lan, ngọc lan, quỳnh, bại hoại...; cây dùng làm lá gói hoặc nguyên liệu bánh trái như lá dong, lá gai...Huế quý những loại cây ra quả trái mùa dù năng suất thấp bởi ước nguyện có được phẩm vật bốn mùa để đơm cúng trên bàn thờ Phật và tổ tiên, có quà quanh năm cho con cháu thăm viếng, có cái để đem ra trên rổ chợ hàng ngày, hiện diện thường xuyên trong lòng chủ vườn xứ Huế...và cũng từ đặc điểm đa chủng, vườn Huế đã tạo nên khung cảnh của một rừng cây xanh, nhiều tầng lá; không quá chú trọng đến quy hoạch mặt bằng của diện tích cho chủng loại cây trồng như vườn phía Bắc, không chuyên canh từng giống cây trái trên diện tích lớn như phương Nam, vườn Huế chỉ có cây trồng chen chúc để tồn tại một cách hợp lý trong bóng rợp của nhau.
Chất vườn rừng trong không gian cây xanh quanh những ngôi nhà Huế phải được xem là ấn tượng đầu tiên khi tiếp cận với nó. Nhưng thật ra, đó chỉ là một thứ vườn rừng “giả vờ”, mỗi loại cây đều tồn tại theo đặc điểm sinh học của mình, mà người Huế đã tổng kết để an vị chúng. Chen chúc nhưng không cản trở nhau phát triển; và cũng chính vì tính đa chủng, đa tầng, đa dạng của cơ cấu cây trồng, người Huế đã phải quy hoạch chúng vừa theo trục đứng của không gian, từ cây cao đến cây thấp, không bị ảnh hưởng vì tầng lá phủ của nhau, vừa bố trí theo mặt bằng của diện tích. Tôi vẫn cho nét đặc thù cũng như ấn tượng vườn Huế phải được bắt đầu từ đó.
7. Trên mặt đồng đại, vườn Huế được kiến thiết không chỉ dưới tác động của địa hình, địa mạo mà còn chịu ảnh hưởng của xã hội, sự giao lưu mạnh mẽ của nhiều luồng văn hóa, sự khác nhau của thân phận chủ nhân. Trên khung lịch đại, vườn Huế cũng có những đổi thay dần theo chất liệu quy mô và kết cấu của kiến trúc nhà ở; sự phá vỡ dần bóng dáng của những những đại gia đình Huế xưa; sự chuyển dịch hay sa sút của một số danh gia khi phong kiến lụi tàn... đã làm cho chúng hoặc bị xé nhỏ, hoặc không còn điều kiện để được chăm sóc như trước... Những diễn biến theo hướng này đáng buồn là xảy ra chủ yếu ở những ngôi nhà vườn đẹp, một thời nổi tiếng của Huế. Ngoài không gian giao tiếp xã hội, mỗi người đều bị chi phối ít nhiều về mặt tính cách, quan niệm, lối sống trong không gian sinh hoạt nhỏ hơn của gia đình. Chúng ta không thể không bàn tính đến sự khác nhau giữa hai con người, một lớn lên trong môi trường đô thị, ngày ngày phải đối diện và nhập thân trong không khí huyên náo, cạnh tranh, chen chúc, ở đó, sự thừa nhận lẫn nhau có khi dựa trên một số chuẩn giá trị không hẳn đã khớp với con người thứ hai, thức dậy trong tiếng chim ríu rít và khu vườn rợp bóng mát và mỗi gốc cây, khóm lá đều gắn bó với ý tình, kỷ niệm và với chính cuộc sống cơm áo đời thường của họ.