Có thể khẳng định nhà vườn truyền thống là một mảng kiến trúc quan trọng, cùng với quần thể kiến trúc cung đình, lăng tẩm, chùa chiền, đình làng,... tạo nên những nét nổi đặc trưng riêng, nổi bật riêng của Huế. Trong tổng thể kiến trúc khu vườn lớn xứ Huế, cùng với các khu vườn ngự, vườn chùa... vườn nhà là khu vườn vệ tinh góp phần làm phong phú cho cảnh quan và kiến trúc thành phố Huế, vốn là một tác phẩm tuyệt vời được làm nên từ sự kết hợp hài hòa trong sự đa dạng của cảnh quan, sự hòa điệu giữa con người và thiên nhiên, chất quý tộc và dân giã. Sự chi phối của khí hậu và địa hình Huế cùng với lối sống, tâm thức, tín ngưỡng, luật lệ thời Nguyễn đã tạo nên nét đặc trưng của các ngôi nhà vườn xứ Huế so với các vùng miền khác.
Chiếm phần lớn trong số nhà vườn truyền thống Huế (NVTTH) là phủ đệ của hoàng thân quốc thích và quan lại, được xây dựng tập trung trong khu vực Kinh Thành và một số làng lân cận như Kim Long, Vỹ Dạ, Phú Cát và Thủy Biều. Sự hình thành Kinh Thành Huế và chức năng hành chính đã ảnh hưởng đến sự phân bố nhà vườn truyền thống trong khu vực. Ở khu vực phía đông bắc Hoàng Thành là nơi tập trung các cơ quan của triều đình, vì vậy nhà vườn được xây dựng nhiều ở đây để thuận tiện việc đi lại, làm việc của tầng lớp quan lại và hoàng thân quốc thích.
Nhà vườn truyền thống bao gồm nhà (chính, phụ) và vườn, dựa vào cấu trúc Nhà chính để phân loại gồm 3 dạng: 3 gian – 2 chái, 1 gian – 2 chái và 3 gian – 0 chái. Số gian của Nhà chính phần nào thể hiện địa vị của chủ nhân trước đây: nhà 3 gian – 2 chái hầu hết chủ nhân trước đây thuộc dòng dõi hoàng tộc hoặc quan lại, nhà 1 gian – 2 chái có nguồn gốc từ quan lại hoặc công chúa.
Nhà vườn truyền thống Huế trong khu vực Kinh Thành có mối quan hệ với Kinh Thành Huế[1], đều dựa trên nguyên tắc Phong Thủy: Nhà chính có hướng Đông Nam, cùng hướng với Kinh Thành Huế; xây bình phong đóng vai trò thay thế núi Ngự Bình và bể cạn làm Minh Đường.
Ảnh 1 và 2: Mối tương quan giữa Kinh thành Huế và NVTTH (Đính kèm ảnh)
Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa và các tác động khác, nhiều nguyên đơn trên mặt bằng tổng thể đang dần biến mất[2]. Xu hướng biến đổi chủ yếu diễn ra ở mặt tiền, mặt đứng, nhà phụ,... về chất liệu, kiến trúc, công năng,...; bình phong và bể cạn vẫn tồn tại ở khá nhiều nhà vườn truyền thống ở đây, điều này cho thấy chúng đóng một vai trò quan trọng trong lối sống và tâm thức của người Huế, là yếu tố cần được giữ gìn, bảo tồn ở các ngôi nhà vườn truyền thống Huế.
Dựa vào các đặc điểm và yếu tố thiết kế trên mặt đứng Nhà chính như cửa bản khoa, hàng cột hiên, mái hiên độc lập, kiến trúc mặt đứng nhà vườn truyền thống Huế có sự chuyển đổi thuộc 1 trong 7 dạng cụ thể như sau[3]:
- Tất cả các Nhà vườn truyền thống Huế đều có mặt đứng Nhà chính đối xứng. Trong đó, dạng điển hình nhất là dạng 5: không có cửa bản khoa, cột hiên, mái hiên độc lập.
- Việc phân thành 7 loại như trên cho thấy sự chuyển đổi các yếu tố và thiết kế trên mặt đứng Nhà chính: cột hàng hiên chuyển đổi từ gỗ sang gạch; cửa bản khoa chuyển đổi thành tường gạch; mái ngói Liệt được thay thế bằng mái ngói móc hoặc mái tôn. Qua sự chuyển đổi giữa 7 dạng có thể thấy dạng 5 là hình thái cuối cùng của rất nhiều nhà.
- Sự chuyển đổi mặt đứng Nhà chính có xu hướng đi từ hình thái đơn giản với vật liệu gỗ địa phương đến phức tạp với vật liệu bền vững hơn: Cột gạch, sắt thay thế cột gỗ; ngói Móc, mái tôn, mái bê tông thay thế ngói Liệt; Nhà chính có hiên hoặc tiền phòng.
- Sự chuyển đổi mặt đứng Nhà chính còn có thể cho thấy sự khác biệt về thời gian xây dựng của mỗi loại: các nhà được xây dựng trước tiên là dạng 1 và 2, tiếp đến dạng 4, 5 và 6.
Ảnh 3: Chuyển đổi mặt đứng Nhà Chính của NVTTH (Đính kèm ảnh)
Bên cạnh đó, không gian và chức năng nhà vườn truyền thống Huế trong khu vực Kinh Thành đã và đang biến đổi dưới tác động của các nhân tố kinh tế, lũ lụt, sự gia tăng nhân khẩu trong gia đình, mục đích thờ tự, sự thay đổi lối sống và sự kết hợp các nhân tố trên theo 3 hướng: hướng thẳng đứng (xây thêm tầng, gác lững); hướng ngang (cơi nới, xây thêm công trình 1 tầng); hướng kết hợp (chuyển đổi vừa theo hướng thẳng đứng vừa theo hướng ngang).
Sơ đồ 1: Các yếu tố tác động đến xu hướng chuyển đổi không gian của NVTTH (Đính kèm ảnh)
Qua khảo sát thực tế, sự chuyển đổi của các ngôi nhà trong khu vực Kinh Thành rất phức tạp với nhiều hình thái khác nhau, phản ánh qua sự chuyển đổi, bố cục giữa Nhà chính và Nhà phụ, của đơn nguyên mới với chức năng mới, được thể hiện ở sơ đồ 2 từ i đến vi. Dưới tác động của kinh tế, sẽ biến một phần hoặc toàn bộ Nhà Phụ thành nơi kinh doanh; hoặc xây mới sát hoặc tách biệt Nhà Phụ,...
Sơ đồ 2: Những xu hướng biến đổi bố cục và chức năng của NVTTH (Đính kèm ảnh)
Có thể thấy, hầu hết sự chuyển đổi của NVTTH chủ yếu xảy ra ở Nhà phụ. Chuyển đổi ở Nhà chính ít xẩy ra, hoặc chủ yếu vì lý do thờ tự, điều này chứng tỏ Nhà chính đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm thức của chủ nhân. Hầu như các ngôi nhà 3 gian – 2 chái và khoảng 50% nhà 1 gian – 2 chái có nguồn gốc từ quan lại và dòng dõi hoàng tộc, họ có niềm tự hào gia tộc và đó như là nguồn động lực để họ gìn giữ, bảo tồn ngôi nhà dưới sức ép của cuộc sống đương đại.
Xu hướng chuyển đổi lối sống và chức năng sử dụng của NVTTH diễn ra dưới sức ép của cuộc sống hiện đại. Hầu hết các chủ nhân nhà vườn cho rằng không gian quan trọng nhất là phòng thờ, chính vì vậy được giữ nguyên vị trí nguyên thủy mà ít biến đổi. Nếu Nhà chính trở thành từ đường thì không gian thờ có thể mở rộng ra phía trước hoặc 2 bên; phòng khách và sinh hoạt chung cũng phần lớn giữ nguyên vị trí cũ; 2 chái thường là phòng ngủ kết hợp kho. Các không gian còn lại thì linh động với nhiều chức năng khác nhau như phòng làm việc, kho và không gian thư giãn.
Xu hướng biến đổi diễn ra mạnh mẽ và phức tạp đối với Nhà phụ của NVTTH để thích ứng với cuộc sống đương đại. Nhìn chung chức năng sử dụng Nhà phụ là bếp, kho và phòng ngủ như nguyên thủy trước đây. Tuy nhiên, đang có xu hướng chuyển đổi không gian sinh hoạt, phòng khách, và các hoạt động sống khác từ Nhà chính sang Nhà phụ. Có nghĩa là Nhà chính dùng làm nơi thờ tự, trong khi các hoạt động của gia đình tập trung ở Nhà phụ. Đây có thể xem là một tham khảo tốt về lối sống trong NVTTH trong cuộc sống đương đại.
Sơ đồ 4: Đề xuất không gian sử dụng của Nhà Chính (Đính kèm ảnh)
Đi liền với các xu hướng biến đổi là mức độ hiện đại hóa, hầu hết các chủ nhân thỏa mãn với điều kiện sống của họ với nhiều trang thiết bị cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như ti vi, tủ lạnh, điện thoại, và xe máy. Tuy nhiên, các chủ nhân có ý thức bố trí những thiết bị hiện đại ở Nhà phụ, còn Nhà chính thường chứa những đồ cũ và gỗ.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chịu tác động tiêu cực của khí hậu, thiên tai, chiến tranh, cùng với sự thiếu quản lý bảo vệ nên số lượng, cũng như những yếu tố về nghệ thuật kiến trúc của nhà vườn đã và đang suy giảm nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ làm mất đi một trong những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc riêng có của Huế. Vì vậy, ngày 10/4/2006, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 3i/2006/NQBT-HĐND5 ngày 10/4/2006 về việc thực hiện Đề án chính sách bảo vệ nhà vườn Huế. Nhà vườn Huế đã tồn tại từ lâu nên đại bộ phận đều xuống cấp, người dân không đủ khả năng để sửa chữa vì kinh phí rất lớn, trong lúc đó Đề án chỉ hỗ trợ 70% nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/nhà vườn, với mức hỗ trợ này thì không đủ kinh phí để trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh mà chỉ sửa chữa nhỏ, chống xuống cấp tạm thời nên Đề án chưa đi vào thực tiễn cuộc sống của người dân và không phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Xuất phát từ những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án theo Nghị quyết 3i/2006/NQBT-HĐND5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các Sở, ban ngành liên quan và UBND thành phố Huế khảo sát, nghiên cứu xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp với nguyện vọng của các nhà vườn và nguồn lực của địa phương. Nghị quyết 02/2015/NQ-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thông qua Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”; Quyết định số 25/2015/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2015 phê duyệt Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” và Quyết định số 36/2015/QD-UBND ngày 27 tháng 8 năm 2015 bàn hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những quy định hỗ trợ kịp thời về tài chính, thuế; kinh doanh tham quan, du lịch; trong đó hỗ trợ trùng tu, tôn tạo nhà chính được quan tâm đặc biệt với mức hỗ trợ 700 triệu đồng đối với nhà vườn loại 1, hỗ trợ 500 triệu đồng đối với nhà vườn loại 2, hỗ trợ 400 triệu đồng đối với nhà vườn loại 3; ngoài ra, Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” còn hỗ trợ tôn tạo khuôn viên vườn, hỗ trợ kinh doanh dịch vụ tại nhà vườn, hỗ trợ về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Từ năm 2016 đến nay đã có 10 nhà vườn tham gia Đề án đã được nhận hỗ trợ trùng tu nhà chính và các hỗ trợ khác có liên quan với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành công tác trùng tu, UBND thành phố Huế bàn giao toàn bộ tài sản đã hỗ trợ cho Chủ nhà vườn quản lý, sử dụng và phát huy giá trị, đến nay đã có 09 nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng tham gia Đề án tổ chức kinh doanh các dịch vụ du lịch phục vụ du khách sử dụng dịch vụ tại các nhà vườn như lưu trú, ẩm thực, ngâm chân, trải nghiệm chế biến món ăn truyền thống Huế,....
Câu chuyện giữa bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng nói riêng, kiến trúc truyền thống nói chung trong cuộc sống đương đại của luôn có sự mâu thuẫn giữa một mặt cần phải bảo tồn gìn giữ giá trị và một mặt là cần phải chuyển đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Đối với nhà vườn truyền thống Huế đặc trưng là một di sản tổng hòa kết hợp bố cục, kỹ thuật, triết lý, kinh tế, văn hóa... do đó cần có một chiến lược tổng thể, mang tính liên ngành, cần sự chung tay phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, chủ nhân di sản và chuyên gia liên ngành kiến trúc, lịch sử, văn hóa.